Kế hoạch hỗ trợ các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024

11/12/2024 - 16:03 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch năm 2024 trên địa bàn các huyện: Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và thành phố Bà Rịa với tổng kinh phí thực hiện hơn 7 tỷ đồng.

Kế hoạch hỗ trợ các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm lao động chân tay, lao động độc hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển sản xuất; góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Theo Kế hoạch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức hỗ trợ thực hiện 10 mô hình thuộc Dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch năm 2024, cụ thể như sau:

(1) Mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP (nấm ăn) của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Bình Trung, huyện Châu Đức: hỗ trợ hệ thống máy trộn ủ giá thể nấm rơm với công suất 2 tấn/mẻ; Máy sấy nấm với công suất 50 – 100 kg nguyên liệu/mẻ sấy.

(2) Mô hình cơ giới hóa ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Láng Lớn, huyện Châu Đức: hỗ trợ mua sắm và chuyển giao thiết bị bay không người lái (thiết bị Drone).

(3) Mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP (mật ong) của Công ty TNHH Duy Anh Bee, huyện Châu Đức: hỗ trợ thiết bị hạ thủy phần mật ong với công suất 1.000 lít/giờ; Máy chiết rót bán tự động với công suất 100 – 300 chai/giờ; Máy dán màn seal với công suất 80 – 100 chai/phút.

(4) Mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP (cà phê) của Cơ sở cà phê Việt Yến Phát, huyện Châu Đức: Hỗ trợ máy rang cà phê với công suất 30 kg/mẻ; Máy định lượng cà phê phin giấy 1-50 g, 10 – 30 lượt/phút.

(5) Mô hình cơ giới hóa chế biến nông sản cho cây trồng chủ lực và sản phẩm OCOP của Công ty Cổ phần Binon cacao, huyện Châu Đức: hỗ trợ máy nghiền với công suất 15 – 20kg/mẻ; Máy gia nhiệt socola (tempering socola) với công suất 15kg/lượt; Máy ép bơ ca cao với công suất 20 kg/mẻ; Máy dập bột ca cao với công suất 40kg/lượt; Máy tách vỏ hạt ca cao với công suất 50kg/giờ.

(6) Mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP của hộ kinh doanh trà Lêkima, huyện Đất Đỏ: hỗ trợ máy thái rau củ với công suất thái từ 100kg – 200kg/giờ; Máy sấy nhiệt với công suất 50 kg/mẻ; Máy xay bột khô với công suất 30 kg/giờ; Máy trộn lục giác với công suất 10-15 kg/mẻ; Máy hàn miệng túi, hút chân không với thời gian 15 – 20 giây/lần (tối đa 10 kg/lần).

(7) Mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (có hòa dưỡng chất) và kết hợp phun thuốc BVTV có điều khiển từ xa cho cây ăn quả của nhóm hộ xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ: Hỗ trợ mua sắm, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân và phun thuốc BVTV có điều khiển từ xa.

(8) Mô hình cơ giới hóa, chế biến nông sản cho cây trồng chủ lực và sản phẩm OCOP (khoai mài) của hộ Ông Đinh Công Trường, huyện Đất Đỏ: hỗ trợ máy cắt lát với công suất 600-1000 kg/giờ; máy nghiền với công suất 40 – 50kg/giờ; Máy sấy lạnh với công suất 100 kg/lần; Máy hút chân không 40 m3/giờ.

(9) Mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP (nước mắm) của Cơ sở Thiên Lộc, huyện Xuyên Mộc: hỗ trợ máy chiết rót nước mắm (bao gồm chiết rót, đóng nắp tự động, dán nhãn nước mắm chai PET 500ml – 700 ml).

(10) Mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP (cà phê) của Hộ kinh doanh Phan Văn Bình, thành phố Bà Rịa: hỗ trợ dây chuyền đóng gói hạt cà phê, bột cà phê với công suất 1.000 kg/ngày.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Bà Rịa, UBND các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch theo quy định; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã và cơ quan chuyên môn giám sát, theo dõi các chủ thể trong việc sử dụng, bảo quản máy, thiết bị từ nguồn ngân sách hỗ trợ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh cần xử lý báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( thông qua Chi cục Phát triển nông thôn) để kịp thời tháo gỡ.

Lài Nguyễn – Chi cục PTNT (Nguồn: Quyết định số 2926/QĐ-UBND)