Huyện Châu Đức tổ chức tham quan, học tập mô hình trồng khoai mỳ tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc tại tỉnh Đồng Nai

07/02/2023 - 10:15 | Xúc tiến thương mại

Ngày 06/02/2023, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Đức đã tổ chức tham quan học tập mô hình trồng khoai mì tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bơm, tỉnh Đồng Nai. Thành phần tham quan mô hình gồm lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Đức, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cán bộ nông nghiệp các xã Bình Trung, Sơn Bình, Đá Bạc, Bình Giã.

Qua trao đổi, tìm hiểu địa điểm tham quan có diện tích khoảng 30 ha, hiện đang trồng các giống khoai mì HN1 kháng bệnh và KM505-541 nhiễm khảm nhưng năng suất cao; giá giống 300.000 đồng 1 bó/20 cây đến 450.000 đồng/bó/20 cây, 1 ha khoảng 60 bó tương đương 18 triệu đồng tiền giống/ha (chưa tính chi phí vận chuyển); năng suất hiện nay từ 30 đến 35 tấn/ha; mô hình trồng khoai mì tại đây đã và đang triển khai ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất như hệ thống tưới tiết kiệm; sử dụng giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, kháng được bệnh....


         Hình ảnh: Đoàn công tác phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Đức tham quan

                học tập mô hình trồng khoai mì tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm

              Nông nghiệp Hưng Lộc, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bơm, tỉnh Đồng Nai.


Để triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Kết luận số 585-KL/TU ngày 19/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2022-2025; theo đó UBND huyện Châu Đức đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 17/01/2023 về việc hỗ trợ thực hiện các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Đức năm 2023 (giai đoạn 1); trong đó có mô hình thay thế, sử dụng giống mì kháng bệnh tại 5 xã Sơn Bình, Bình Trung, Bình Giã, Đá Bạc và Nghĩa Thành.

Thông qua buổi tham quan, các địa phương có cơ hội được học tập, trao đổi tìm hiểu về kỹ thuật sản xuất, việc ứng dụng Khoa học – công nghệ vào sản xuất đối với cây khoai mì để áp dụng và nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện Châu Đức trong thời gian tới....

CTV: Ngân Phan