HƯỚNG DẪN: THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19 THEO NGHỊ QUYẾT 68/NQ-CP

16/11/2021 - 09:33 | Văn bản quy phạm pháp luật

Căn cứ Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 8/10/2021của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg ngày 6/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Thực hiện Kế hoạch 104/KH-UBND ngày 11/7/2021 của UBND tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quyết định 1896/QĐ-UBND ngày 13/7/2021, Quyết định 2558/QĐ-UBND ngày 30/8/2021, Quyết định 2957/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 của UBND tỉnh quy định đối tượng, định mức và thủ tục hỗ trợ cho người lao động không giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo điểm 12 Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ; Nhằm tiếp tục triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và thực hiện sự phân của UBND tỉnh tại điểm 1, phần II Kế hoạch 104/KH-UBND, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Hướng dẫn số 1490/HD-SLĐTBXH ngày 11/11/2021 về việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động triển khai và thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, cụ thể như sau:

Nguyên tắc hỗ trợ: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sáchnguồn lực để thực hiện; Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 mục II Nghị quyết 68/NQ-CP) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia; Phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.

Đối tượng hỗ trợ:

1. Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

a) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Điều 9 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, cụ thể: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; Có phương án hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Mẫu số 02 Phụ lục Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

b) Mức hỗ trợ: Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng. Trường hợp khóa đào tạo, có những ngày lẻ thì được tính: dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng. Thời gian hỗ trợ: Tối đa 06 tháng.

c) Thành phần hồ sơ: Văn bản đề nghị hỗ trợ theo Mẫu 03 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; Văn bản của người sử dụng lao động về việc thay đổi cơ cấu, công nghệ; Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo Mẫu 02 Quyết định 33/2021/QĐ-TTg; Xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) về việc người sử dụng lao động đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (mẫu 02a Quyết định 33/2021/QĐ-TTg).

d) Trình tự, thủ tục:

- Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp. Cơ quan BHXH xác nhận trong 02 ngày làm việc.

- Người sử dụng lao động nộp hồ sơ gửi Sở Lao động – TB&XH và có thể nộp hồ sơ các đợt khác nhau.

- Trong 07 ngày làm việc, Sở Lao động - TB&XH xem xét, quyết định  hỗ trợ.

- Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ, cơ quan BHXH chuyển một lần toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động.

- Trong 02 ngày làm việc, người sử dụng lao động chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo.

- Trong 45 ngày từ ngày kết thúc việc đào tạo, người sử dụng lao động phải thanh quyết toán kinh phí với cơ sở đào tạo và báo cáo kết quả về Sở Lao động – TB&XH. Trong 05 ngày làm việc, Sở Lao động – BT&XH ban hành quyết định thu hồi kinh phí đào tạo còn dư (nếu có).

e) Cơ quan tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt: Sở Lao động – TB&XH nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

2. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương

a) Đối tượng hỗ trợ: Người lao động làm việc theo HĐLĐ phải tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương do: phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến làm việc hoặc tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; trụ sở, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc áp dụng các biện pháp ngừng, hạn chế hoạt động, hoạt động có điều kiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 khi đủ các điều kiện sau:

- Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

- Đang tham gia BHXH bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương hoặc tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương.

b) Mức hỗ trợ:

- Mức hỗ trợ: 1.855.000 đồng/người nếu người lao động nghỉ từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày), hỗ trợ 3.710.000 đồng/người nếu người lao động nghỉ việc từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.

- Người lao động đang mang thai hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em.

- Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho người lao động.

c) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:

- Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Trường hợp do dịch bệnh hoặc bất khả kháng 2 bên có thể thỏa thuận thông qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử và ghi cách thức thỏa thuận vào cột “Ghi chú” mẫu số 05 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg;

- Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan BHXH theo Mẫu số 5 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg;

- Bản sao một trong các giấy tờ: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 14 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

d) Trình tự, thủ tục hỗ trợ:

- Người sử dụng lao động lập danh sách (chịu trách nhiệm về danh sách lập) đề nghị cơ quan BHXH xác nhận người lao động tham gia BHXH. Trong 02 ngày làm việc, cơ quan BHXH xác nhận.

- Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện đến hết ngày 31/01/2022.

- Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND tỉnh thông qua Sở Lao động - TB&XH.

- Trong 02 ngày làm việc, UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí.

e) Cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ:  UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Cơ quan phê duyệt: UBND tỉnh.

3. Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc

a) Đối tượng hỗ trợ:

Người lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

- Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ Luật lao động và thuộc một trong các trường hợp: phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến làm việc hoặc tạm dừng hoạt động yêu cầu của cơ quan nhà nước thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; trụ sở, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc áp dụng các biện pháp ngừng, hạn chế hoạt động, hoạt động có điều kiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5 - 31/12/2021.

- Đang tham gia BHXH bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng người lao động ngừng việc hoặc tháng liền kề trước thời điểm ngừng việc.

b) Mức hỗ trợ:

- Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người.

- Người lao động đang mang thai hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em.

- Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho người lao động.

c) Hồ sơ:

- Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 06 ban hành kèm Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

- Bản sao một trong các giấy tờ: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 18 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

d) Trình tự, thủ tục

- Người sử dụng lao động lập danh sách (chịu trách nhiệm về danh sách lập) đề nghị cơ quan BHXH xác nhận người lao động đang tham gia BHXH. Trong 02 ngày làm việc, cơ quan BHXH xác nhận.

- Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện chậm nhất ngày 31/01/2022.

- Trong 02 ngày làm việc, UBND huyện thẩm định, trình UBND tỉnh thông qua Sở Lao động - TB&XH.

- Trong 02 ngày làm việc UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.

- Trong 02 ngày làm việc, người sử dụng lao động thực hiện chi trả cho người lao động.

e) Cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ: UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Cơ quan phê duyệt: UBND tỉnh.

4. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

a) Đối tượng hỗ trợ:

Người lao động làm việc theo chế độ HĐLĐ thuộc một trong các trường hợp sau: phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến làm việc hoặc tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; trụ sở, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc áp dụng các biện pháp ngừng, hạn chế hoạt động, hoạt động có điều kiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021đến 31/12/2021 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

- Đang tham gia BHXH bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng chấm dứt HĐLĐ hoặc tháng liền kề trước thời điểm người lao động chấm dứt HĐLĐ.

- Chấm dứt HĐLĐ trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến 31/12/2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp sau:

+ Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

b) Mức hỗ trợ:

- Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người.

- Người lao động đang mang thai hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con hoặc chăm sóc trẻ em chưa đủ 06 tuổi hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em.

- Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho người lao động.

c) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:

- Đề nghị hỗ trợ theo mẫu số 07 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg;

- Bản sao một trong giấy tờ sau:

  + HĐLĐ hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ.

  + Quyết định thôi việc.

  + Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ.

- Bản sao Sổ BHXH hoặc xác nhận cơ quan BHXH tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp.

-  Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc trẻ em.

d) Trình tự, thủ tục:

- Người lao động gửi hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi trụ sở chính của người sử dụng lao động. Trường hợp nơi làm việc của người lao động là chi nhánh khác trụ sở chính của người sử dụng lao động thì được nộp hồ sơ tại nơi chi nhánh người lao động làm việc. Thời hạn chậm nhất đến ngày 31/01/2022.

- Trước ngày 05 và 20 hàng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm rà soát, tổng hợp danh sách trình Sở Lao động – TB&XH.

- Trong 02 ngày làm việc, Sở Lao động – TB&XH thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Trung tâm Dịch vụ việc làm chi trả hỗ trợ trong 03 ngày làm việc.

e) Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ: Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Cơ quan phê duyệt: UBND tỉnh.

5. Hộ kinh doanh:

a) Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.

- Có đăng ký kinh doanh, có trong danh bạ cơ quan thuế.

- Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc áp dụng các biện pháp không/ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021.

b) Hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh.

- Hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh và không thuộc đối tượng lao động tự do được hỗ trợ theo Quyết định 1896/QĐ-UBND, Quyết định 2558/QĐ-UBND, Quyết định 2957/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

- Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc phải áp dụng biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến 31/12/2021.

c) Mức hỗ trợ:

Chi trả trả 01 lần, mức hỗ trợ: 3.000.000 đồng/hộ.

d) Hồ sơ và trình tự, thủ tục

- Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 11 Quyết định 33/2021/QĐ-TTg đến UBND, phường, thị trấn chậm nhất đến hết ngày 31/01/2022.

- Trong 03 ngày làm việc, UBND cấp xã xác nhận tạm ngừng kinh doanh; niêm yết công khai; tổng hợp, báo cáo gửi Chi cục Thuế.

- Trong 02 ngày làm việc, Chi cục Thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, gửi UBND huyện tổng hợp.

- Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp, trình UBND tỉnh thông qua Sở Lao động – TB&XH.

- Trong 02 ngày làm việc, UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.

đ) Cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ: UBND cấp xã nơi địa điểm hộ kinh doanh hoạt động.

f) Cơ quan phê duyệt: UBND tỉnh.

7. Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động

a) Đối tượng:

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hoặc sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh trước ngày 01/5/2021 bị mất việc do dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cách ly y tế hoặc có xác nhận của chính quyền địa phương về việc mất việc làm từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021, bao gồm:

- Buôn bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;

- Bán lẻ vé số lưu động;

- Thu gom rác, thu mua phế liệu;

- Bốc xếp, vận chuyển hàng hóa;

- Lái xe ôm, xe xích lô, xe ba gác; lái xe chở khách, chở hàng thuê;

- Tự làm, làm việc cho cá nhân, làm việc tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, vận tải, thương mại không có hợp đồng lao động;

- Lao động làm thuê trong công việc: đánh bắt hải sản gần bờ, đánh bắt hải sản xa bờ, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch hoa màu không có hợp đồng lao động.

- Tự làm các công việc đánh bắt hải sản gần bờ.

b) Mức hỗ trợ:

- Mức hỗ trợ là: 50.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày làm việc thực tế của người lao động bị mất việc làm, nhưng không quá 3.500.000 đồng/người (bao gồm cả khoản hỗ trợ người bán vé số theo văn bản 8310/UBND-VP ngày 10/7/2021 của UBND tỉnh).

- Riêng lao động tự làm các công việc đánh bắt hải sản gần bờ, hỗ trợ 1 lần là 1.500.000 đồng/người.

c) Hồ sơ hỗ trợ:

- Đơn đề nghị hỗ trợ của người lao động (mẫu kèm theo Quyết định 2558/QĐ-UBND) có xác nhận của khu phố, ấp, thôn nơi cư trú hợp pháp (thường trú, tạm trú) của người đề nghị hoặc nơi làm việc bị mất việc của người lao động (trường hợp nơi làm việc và nơi ở của người lao động khác nhau).

- Văn bản của UBND cấp xã đề nghị UBND cấp huyện phê duyệt hỗ trợ kèm danh sách tổng hợp người lao động đề nghị hỗ trợ.

d) Trình tự, thủ tục:

- Trong vòng 30 ngày tính từ ngày trở lại làm việc nhưng không quá ngày 31/1/2022, người lao động đề nghị hỗ trợ gửi UBND cấp xã. Trường hợp người lao động đã được hỗ trợ thấp hơn 3.500.000 đồng/người mà sau đó lại bị mất việc thì vẫn được đề nghị hỗ trợ, nhưng tổng số tiền hỗ trợ không quá 3.500.000 đồng/người.

- Trưởng Ban điều hành khu phố, trưởng thôn, ấp hoặc người quản lý lao động có trách nhiệm xác nhận đơn của người lao động trong vòng 01 ngày làm việc; trường hợp không đồng ý cũng phải có nhận xét trong đơn.

- UBND cấp xã trong 03 ngày làm việc phải thẩm định, niên yết công khai và gửi danh sách về UBND cấp huyện thông qua Phòng Lao động – TBXH. Phòng Nội vụ - Lao động – TBXH huyện Côn Đảo thực hiện trách nhiệm của UBND xã.

- UBND cấp huyện phê duyệt danh sách và kinh phí trong 02 ngày làm việc; quyết định về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính.

- UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã chi trả hỗ trợ trong 03 ngày làm việc.

đ) Cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ: UBND cấp xã.

e) Cơ quan phê duyệt: UBND cấp huyện.

Kim Khánh