Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp

12/11/2021 - 09:55 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp ban hành theo Quyết định 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế) nhằm chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh (sau đây gọi tắt là CSSXKD), khu/cụm công nghiệp (sau đây gọi tắt là KCN);- Đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH TẠI CSSXKD, KCN

Các CSSXKD, KCN thực hiện Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 về hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho NLĐ, đặc biệt tập trung triển khai các nội dung sau:

1. Đối với CSSXKD, KCN:

- Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại KCN, CSSXKD, các tổ An toàn COVID-19 tại KCN, CSSXKD (chi tiết tại Phụ lục 1);

- Xây dựng phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại nơi làm việc; định kỳ tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch và xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho NLĐ; thực hiện cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch với chính quyền địa phương; tự đánh giá nguy cơ và cập nhật trên bản đồ an toàn COVID-19.

- Bố trí phương tiện đưa đón NLĐ tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; tăng cường thông gió tại phân xưởng, nhà ăn; phân luồng NLĐ cố định tại phân xưởng, dây chuyền sản xuất, khi đưa đón NLĐ; giảm mật độ NLĐ tại mỗi ca làm việc, ca ăn; giảm tiếp xúc bằng bố trí vách ngăn tại nhà ăn và suất ăn riêng; thực hiện họp trực tuyến, làm việc tại nhà (với một số bộ phận hành chính, kế toán...); lắp đặt camera giám sát các khu vực có nguy cơ; lập danh sách quản lý thông tin của NLĐ gửi Ban quản lý KCN, các cơ quan y tế liên quan; yêu cầu NLĐ thực hiện 5K, ghi lại lịch trình tiếp xúc hàng ngày.

- Thực hiện việc quản lý NLĐ, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đặc biệt các trường hợp đi, đến từ khu vực có dịch hoặc tham gia các sự kiện tập trung đông người có nguy cơ cao; thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho NLĐ.

2. Đảm bảo phòng, chống dịch tại nhà trọ, khu nhà trọ, khu ký túc xá của NLĐ (gọi tắt là nhà trọ): Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ tất cả các nhà trọ trên địa bàn theo hướng dẫn tại Phụ lục 2; thành lập Ban quản lý hoặc tổ An toàn COVID-19 tại các nhà trọ; bố trí NLĐ cùng phân xưởng thì ở cùng phòng trong nhà trọ (đối với khu ký túc xá); yêu cầu NLĐ ký cam kết và thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

3. Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ cho CSSXKD, KCN (cung cấp suất ăn, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vận chuyển, đưa đón chuyên gia, NLĐ, ngân hàng, điện lực, thu gom và xử lý rác thải, hậu cần, sửa chữa, bảo dưỡng cấp thoát nước...): Yêu cầu ký cam kết phòng, chống dịch với Ban quản ký KCN, CSSXKD, chính quyền địa phương; phối hợp với các CSSXKD, KCN thực hiện việc quản lý danh sách NLĐ, lịch trình, thời gian làm việc của NLĐ; định kỳ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ NLĐ; yêu cầu NLĐ thực hiện 5K, ghi lại lịch trình tiếp xúc hàng ngày.

4. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn với thông tin đơn giản, dễ hiểu; đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại cho các CSSXKD, KCN.

5. Thành lập các tổ công tác liên ngành của địa phương: kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại CSSXKD, KCN, đặc biệt những cơ sở có quy mô lớn, nguy cơ lây lan cao; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định phòng, chống dịch, kể cả đình chỉ hoạt động.

(Xem chi tiết hướng dẫn tại đây)

Kim Khánh