HỢP TÁC XÃ SẦU RIÊNG 9 BÊ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG CƠ HỘI CHO SẦU RIÊNG XUẤT NGOẠI

06/09/2023 - 14:45 | Giá cả, thông tin thị trường

Hợp tác xã sầu riêng 9 Bê (ấp Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) với sản phẩm sầu riêng vừa được phê duyệt mã số vùng trồng xuất khẩu (Trung Quốc) với diện tích 36,95 héc ta. Ông Nguyễn Hữu Bê, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng 9 Bê cho biết, vườn sầu riêng của Hợp tác xã hơn 10 năm tuổi đã được chuyển đổi dần sang phương pháp canh tác hữu cơ. Nhờ áp dụng mô hình trồng theo hướng hữu cơ, nên vườn sầu riêng của gia đình ông Bê cũng như các thành viên trong Hợp tác xã đều cho năng suất cao, đầu ra ổn định. "Mục tiêu của Hợp tác xã là liên kết các thành viên với nhau để sản xuất sản phẩm sạch theo hướng hữu cơ nhằm xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Nay được cấp mã số vùng trồng càng giúp cho giá trị trái sầu riêng được nâng lên. Cụ thể, nếu trước đây, khi chưa có mã số vùng trồng, gần đến giai đoạn thu hoạch thương lái mới vào tận vườn hỏi mua, còn hiện nay, doanh nghiệp đã đến tìm hiểu và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ khi cây mới trong giai đoạn kết trái. Việc được cấp mã số vùng trồng cho cây sầu riêng không chỉ giúp nâng giá trị trái sầu riêng đối với thị trường trong và ngoài nước mà còn giúp bà con nông dân có đầu ra và giá cả ổn định. Lợi nhuận cũng cao gấp 5-6 lần so với trồng tiêu, cao su", ông Nguyễn Hữu Bê nói.

            Với yêu cầu của người tiêu dùng hiện nay, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu cần phải có đối với mỗi sản phẩm được tiêu thụ ra thị trường, đặc biệt là thị trường thế giới. Cùng với các loại nông sản khác, sầu riêng Bà Rịa - Vũng Tàu là loại nông sản mới nhất có được "hộ chiếu" xuất ngoại chính ngạch. Tuy nhiên, cũng như nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, sầu riêng đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người sản xuất. Tuy nhiên, trước tình trạng phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng, có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường cần có các giải pháp để tăng cường công tác quản lý sản xuất sầu riêng trong thời gian tới.

            Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng cho biết, để việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc được thuận lợi, bền vững và không ảnh hưởng đến uy tín của sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam, thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương, các vùng trồng triển khai tập huấn, hướng dẫn và giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát sinh vật gây hại, ghi chép lưu trữ hồ sơ nhật ký điện tử... Đồng thời tăng cường hướng dẫn nông dân đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật đối với các vườn sầu riêng giai đoạn kinh doanh ổn định; áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc sản xuất hữu cơ; quản lý dịch hại tổng hợp đối trên cây sầu riêng để nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần phát triển sầu riêng bền vững. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ngan Phan st (nguồn http://lienminhhtx.baria-vungtau.gov.vn)