Hợp tác xã nông nghiệp-Tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ
18/10/2024 - 14:46 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch cho biết, các thành viên HTX có lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng/năm khi tham gia chuỗi sản xuất bưởi da xanh theo hướng VietGAP.
Liên kết tạo đầu ra ổn định
Ông Vòng A Mền, nông dân trồng bưởi da xanh tại xã Sông Xoài
(TX.Phú Mỹ), hiện đang thu hoạch những trái cuối vụ từ hơn 2ha bưởi của mình.
Cách đây 2 năm, ông quyết định chuyển đổi từ phương pháp canh tác thông thường
sang hướng hữu cơ. Ông chia sẻ: “Trước đây, nông dân làm theo cách riêng của
mình. Từ khi tham gia HTX, chúng tôi được hướng dẫn sản xuất theo quy trình
VietGAP, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm và giảm chi phí canh tác. HTX còn thu
hoạch bưởi tận vườn”.
HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch (TX.Phú Mỹ) hiện có 40 thành viên với
tổng diện tích 38ha. HTX đã liên kết với 30 hộ nông dân trồng bưởi tại các xã
Láng Lớn, Sông Xoài và phường Hắc Dịch, mở rộng diện tích canh tác lên khoảng
25ha. Ông Nguyễn Trọng Trung, Giám đốc HTX cho biết, sau khi thành lập vào năm
2022, HTX đã nhanh chóng chuyển sang canh tác bưởi theo hướng hữu cơ, đầu tư
vào hệ thống tưới và phương tiện vận chuyển. Đến nay, HTX đã có 38ha bưởi da
xanh canh tác theo quy trình VietGAP, với năng suất ổn định đạt 35 tấn/ha/năm.
HTX còn liên kết với các siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh,
thành khác trong nước, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc
và EU. Bên cạnh đó, HTX hỗ trợ các thành viên mua vật tư, phân bón chất lượng
với giá thấp hơn thị trường.
HTX Dưa lưới Long Tân (huyện Đất Đỏ) cũng đang hoạt động tích cực
với 16 thành viên canh tác 25 nhà màng, chủ yếu trồng giống dưa oval vỏ vàng,
ruột vàng. Mỗi năm, HTX sản xuất 4 vụ, với năng suất đạt từ 3-3,5 tấn
dưa/vụ/nhà màng. Ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định xây dựng quy trình sản
xuất an toàn, áp dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến và sử dụng nguồn nước
sạch, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, sản phẩm dưa lưới của HTX đã
thu hút được thương lái từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Ông Trương Văn Hậu, Giám đốc HTX Dưa lưới Long Tân cho biết, ngoài
việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, HTX cũng đang đầu tư vào mô hình
kết hợp du lịch nông nghiệp. “Mặc dù việc phát triển nông nghiệp gắn với du
lịch là một cơ hội, nhưng chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhất
là với trình độ và tiềm lực kinh tế còn hạn chế của các thành viên”, ông Hậu
chia sẻ.
HTX phát triển bền vững
Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 494 tổ hợp tác và 195
HTX với 12.532 thành viên, trong đó có 18 HTX nông nghiệp đã liên kết với doanh
nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Việc áp dụng công nghệ
nông nghiệp và xây dựng chuỗi sản xuất không chỉ mang lại lợi ích cho HTX, mà
còn tạo việc làm ổn định cho hơn 4.800 lao động khu vực nông thôn.
Ông Trịnh Văn Tiến, Phó Giám đốc HTX Sản xuất- Dịch vụ-Nông nghiệp
Xuân Trường (huyện Châu Đức) cho biết, HTX có 17 thành viên, canh tác hơn 20ha
thanh long ruột đỏ. Nhờ ký kết giá tiêu thụ cố định ngay từ đầu, HTX có thể
quản lý tốt đầu vào và đầu ra, tạo sự yên tâm cho các thành viên. Qua hơn 3 năm
triển khai, mô hình liên kết này đã mang lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với
sản xuất nhỏ lẻ trước kia, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết,
thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều chính sách hỗ trợ thành lập mới và
củng cố tổ chức HTX. Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích
phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã
giúp các HTX mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời tiếp cận các
nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững.
Thảo Nguyên