Hơn 60% sản phẩm OCOP 4 sao đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
09/04/2024 - 08:18 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Theo đó, tính đến hết tháng 12/2023,
đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với kết quả như
sau: Đã có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm so với
tháng 12/2022), trong đó 68,9% sản phẩm 3 sao, 29,9% sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm
5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao; có 5.724 chủ thể OCOP, trong đó có 37,5% là
HTX, 24,4 % là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là
tổ hợp tác. "Thống kê từ 27 địa phương có công văn gửi Cục Sở hữu trí
tuệ cho thấy, có 978 sản phẩm được công nhận 4 sao, trong đó 62% sản phẩm đã được
bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các sản phẩm còn lại đều đã nộp đơn đăng ký tại Cục" -
ông Lê Huy Anh cho biết. Các sản phẩm đã được công nhận 4 sao nhưng chưa được bảo
hộ quyền sở hữu trí tuệ là các sản phẩm được công nhận từ trước năm 2023 khi Thủ
tướng Chính phủ chưa ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 về Bộ
tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm với quy
định một trong những bắt buộc đối với sản phẩm đề nghị xét, công nhận 4 sao trở
lên là phải có nhãn hiệu được đăng ký.
Ông
Lê Huy Anh cũng cho hay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương kiến nghị
xây dựng tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu tại Việt Nam
cho các chủ thể OCOP và tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và bảo vệ quyền đối với
nhãn hiệu cho các chủ thể OCOP tại các thị trường: Đông Bắc Á, EU, Mỹ,
Australia và New Zealand, Singapor, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Myanmar; đề xuất nhiệm
vụ hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước và nước ngoài cho các chủ thể OCOP có sản
phẩm đạt 4, 5 sao tại thị trường nước ngoài.
TS.
Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý OCOP và Du lịch nông thôn, Văn phòng điều phối
nông thôn mới Trung ương chia sẻ, Chương trình OCOP là một chương trình phát
triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.
Sau hơn 5 năm, chương trình đã được triển khai rộng khắp và có sự lan tỏa mạnh
mẽ ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Chương trình OCOP khẳng định sự
phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Nhiều địa phương đã
ban hành chính sách riêng để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.
Các sản phẩm OCOP hầu hết đáp ứng các tiêu chuẩn, quy
chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện
với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Tỷ lệ chủ thể OCOP gia tăng về
sản lượng sau khi được công nhận OCOP là 46,0%, doanh thu bán hàng tăng bình
quân là 29,7%; tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên là 50,43%, mức tăng giá
bình quân là 17,5%. Tuy nhiên, ông Huấn cũng thừa nhận nhận thức, sự quan tâm
và năng lực của chủ thể OCOP về sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Cán bộ tham gia hội
đồng đánh giá, phân hạng chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của thực tiễn. Bên
cạnh đó, thời gian đăng ký nhãn hiệu còn dài, khó khăn cho các chủ thể trong
việc nâng hạng sản phẩm OCOP. Ông kiến nghị, cần xây dựng tài liệu đào tạo, tập
huấn, hướng dẫn phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm OCOP; tham mưu
chính sách hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho các chủ thể OCOP tại các địa phương;
tăng cường tập huấn, hướng dẫn về sở hữu trí tuệ cho các chủ thể OCOP tại địa
phương.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ có sự
ưu tiên, hỗ trợ các chủ thể OCOP trong đăng ký nhãn hiệu (thời gian thẩm định);
hỗ trợ các chủ thể OCOP (quốc gia, tiêu biểu) đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài;
quan tâm, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm du lịch nông nghiệp,
nông thôn. Ngoài ra, lồng ghép, hỗ trợ các chủ thể OCOP trong quản lý, phát
triển thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu công
nghiệp); tư vấn, hưỡng dẫn các chủ thể OCOP về áp dụng sở hữu trí tuệ trong
hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Lài Nguyễn – Chi cục PTNT (nguồn congthuong.vn)