HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ “KINH NGHIỆM CANH TÁC TRÊN SA MẠC CỦA ISRAEL”

14/05/2024 - 15:27 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Sáng ngày 10/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm canh tác trên sa mạc của Israel. Tham dự hội thảo tại Hà Nội có Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Ngài Yaro Meyer - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam, ông Gal Saf – Thám tán thương mại Đại sứ quán Israel tại Việt Nam. Tại điểm cầu trực tuyến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có đại diện lãnh đạo các phòng/đơn vị trực thuộc Sở: Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Khai thác công trình thủy lợi, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhiều vùng canh tác ở Việt Nam bị hạn hán, xâm nhập mặn thì những kinh nghiệm và mô hình, kỹ thuật mà Israel làm được chính là hi vọng cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vậy làm thế nào để thích ứng với điều kiện thời tiết như hiện nay. Đây là câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo chia sẻ “kinh nghiệm canh tác trên sa mạc của Israel”.

“Mọi giọt nước đều đáng quý”

Theo Tham tán thương mại, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam Gal Saf, tình trạng thiếu nước không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra trên toàn cầu. Tại Israel, đất nước có tới 60% là sa mạc, năm nào quốc gia này cũng phải đối mặt với thiếu nước, do đó Israel đã đưa ra các giải pháp ứng phó, bao gồm tạo ra nhiều nguồn nước hơn, khử mặn, sử dụng hệ thống tưới, áp dụng nhà kính, tìm giống cây có khả năng chịu hạn tốt.

Để tạo ra nhiều nước hơn, ông Gal Saf cho rằng, trước hết Chính phủ phải xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng quy chế để tạo điều kiện cho tư nhân đổi mới. Tại Israel, Chính phủ đã hỗ trợ người nông dân trong việc tái sử dụng nước, sử dụng nước lợ và nước mặn.

Bên cạnh đó, Israel sử dụng các đường ống kết hợp với công nghệ để tránh tình trạng thất thoát nước. Nếu như năm 2014, việc thất thoát nước chiếm 10%, thì đến hiện tại con số đã giảm xuống 7 – 8%.

“Thay vì tạo ra nhiều nguồn nước mới, từ việc tiết kiệm, chúng ta có thể giảm thiểu chi phí tài nguyên," ông Gal Saf nhận định.

Hiện 95% nước thải của Israel được xử lý tại trung tâm xử lý nước thải có ở các thành phố, tỉnh của Israel. Việc tái chế nước thải có thể giúp sử dụng nguồn nước vô hạn, trong 95% nước thải được tái chế, có tới 80% được tái sử dụng. Đáng chú ý, tất cả các nguồn nước sử dụng cho nông nghiệp của Israel đều được tái chế từ nước thải, nước sinh hoạt.

Ông  Yaron Mayer- Đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ, Israel trước đây luôn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Để khắc phục, Israel đã biến thách thức thành cơ hội cùng với sự phát triển của công nghệ. Có hai sáng kiến được đưa ra đó là tái sử dụng nước và khử mặn. Để tạo ra nhiều nguồn nước thì Chính phủ cần xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, quốc gia này cũng đề cao sự giáo dục con người, xây dựng văn hóa tiết kiệm nước, “mọi giọt nước đều đáng quý”… Nhờ vậy, Israel đã đảm bảo nguồn cung nước cho quốc gia.

Nói về công nghệ khử mặn, Israel hiện có 5 nhà máy khử mặn, trong đó một nhà máy đang được xây dựng. Do công nghệ này chi phí cao nên chủ yếu sử dụng cho nước uống. Mặc dù có hơn nửa diện tích là sa mạc, tuy nhiên Israel vẫn xuất khẩu các mặt hàng rau sang các nước Châu Âu, Mỹ với giá thành và chất lượng cao.

Đại sứ Yaron Mayer cũng khẳng định, Israel có kinh nghiệm về hạn hán, sẵn sàng tư vấn về công nghệ và tìm ra các giải pháp, cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Còn ông Vũ Kiên Trung, đại diện Công ty Netafim (Israel) cho biết, doanh nghiệp này đã vào Việt Nam được 26 năm và tiên phong tạo ra nền tảng ứng dụng tưới tiết kiệm, tưới chính xác, đang áp dụng cho hàng chục ngàn ha rau, hoa ở tỉnh Lâm Đồng, thanh long ở tỉnh Bình Thuận, khoai lang ở Tây Nguyên…Ông Trung cho rằng, những năm tới, khu vực Tây Nguyên sẽ tái canh cà phê hàng loạt nên nhu cầu tưới là rất lớn và mô hình tưới nhỏ giọt cần áp dụng để tăng hiệu quả, giảm chi phí, tiết kiệm nước.

“Văn hóa tiết kiệm nước”

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nông nghiệp &PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tôi rất ấn tượng với từ khóa “văn hóa tiết kiệm nước của người Israel” và nhận định, nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp đánh đổi qua tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học. Nước là tài nguyên hữu hạn, càng ngày càng giảm, bao gồm cả hệ thống nước mặn và nước ngầm. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có biện pháp đầy đủ cho vấn đề này.

Tại đây, Bộ trưởng đề xuất các bên cùng nghiên cứu để chuẩn bị cho một hội thảo sâu hơn về nông nghiệp tiết kiệm nước, góc nhìn từ Israel và bài học cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị phía Israel tăng cường các chương trình giao lưu, học tập cho thực tập sinh nông nghiệp Việt Nam, để du học sinh được sống và học tập trong môi trường trang trại, HTX tại Israel. Đây sẽ là nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng trong tương lai đối với Việt Nam.

Thanh Hiền TT&BVTV