HỘI NGHỊ TẬP HUẤN NHẬN THỨC VỀ HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC VÀ GIỚI THIỆU MỘT SỐ MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ THỰC HIỆN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC HIỆN NAY

20/09/2022 - 09:05 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Sáng ngày 31/8/2022, tại hội trường khách sạn Công Đoàn, số 4 Trần Hưng Đạo, Phường 3, thành phố Vũng Tàu đã diễn ra hội nghị tập huấn nhận thức về hệ thống truy xuất nguồn gốc và giới thiệu một số mô hình hợp tác xã thực hiện truy xuất nguồn gốc hiện nay.

Tham dự hội nghị, có ông Tạ Hồng Lâm, phó Chi cục trưởng chi cục tiêu chuẩn và đo lường chất lượng, chủ trì hội nghị. Cùng đại diện liên minh Hợp tác xã tỉnh, Viện năng suất Việt Nam, các đơn vị liên quan và doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh.


Hình ảnh: Đại biểu về tham dự hội nghị tập huấn thức về hệ thống truy xuất nguồn gốc và giới thiệu một số mô hình hợp tác xã thực hiện truy xuất nguồn gốc hiện nay.

Sau khi ông Tạ Hồng Lâm, phó Chi cục trưởng Chi cục tiểu chuẩn và đo lường chất lượng tuyên bố lý do và khai mạc hội nghị thì là phần giới thiệu khái niệm, hiện trạng về hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện nay của ông Nguyễn Khắc Sơn- Giảng viên Viện năng suất Việt Nam.

Qua các phương tiện thông tin được chia sẻ, chúng ta cũng biết được hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, và thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn đó chính là hàng rào kỹ thuật tại các quốc gia nhập khẩu sản phẩm của chúng ta.

Trong nền kinh tế 4.0 hiện nay, thông tin về sản phẩm hàng hóa từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ đều được theo dõi đến từng bước nhỏ phản ánh toàn diện các yếu tố khách quan. Nguồn thông tin này có thể được dùng vào rất nhiều việc trong đó có việc tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, dự báo, tuân thủ quy định xuất nhập khẩu, nói một cách khác, đó chính là truy xuất nguồn gốc. Đây là hoạt động góp phần tạo nên nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế 4.0 mà lĩnh vực nông nghiệp đang và sẽ áp dụng.Truy xuất nguồn gốc còn là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời cũng góp phần gia tăng giá trị của nông sản tại địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công khai, minh bạch.

Tuy nhiên hiện nay, khó khăn của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nói riêng là cho đến thời điểm hiện tại, có rất rất ít các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, phần lớn cũng chỉ là truy xuất nhanh bằng  mã QR (áp dụng trong hệ thống nội bộ) để truy xuất định danh về mã vùng trồng, đặc tính của sản phẩm, đơn vị sản xuất và nếu có nữa thì là quá trình canh  tác. Trong khi đó muốn xuất khẩu sang các nước bạn thì mã QR code người ta không áp dụng mà họ chỉ chấp nhận truy xuất theo mã vạch sản phẩm toàn cầu (GS1); tại Việt Nam là trung tâm mã số mã vạch quốc gia, đặt trụ sở chính tại số 08 Hoàng Quốc Việt, thành phố Hà Nội.

Cũng trong buổi tập huấn này, hội nghị cũng nêu một số hợp tác xã điển hình thực hiện truy xuất nguồn gốc, trong đó phải kể đến Hợp tác xã sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Viet Gap - Hợp tác xã Mười Hai, địa chỉ Cần Giuộc (Long An). Đây là Hợp tác xã sử dụng cả mã QR code và mã số sản phẩm để xuất khẩu sản phẩm.

Sau khi nghe các đại biểu trình bày và thảo luận các nội dung liên quan về xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ông Tạ Hồng Lâm- chủ trì hội nghị đã kết luận:

Các hợp tác xã, các doanh nghiệp, nông hộ cần nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc cũng như cập nhật xu hướng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hiện nay. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc là bắt buộc, nếu không muốn sớm bị đào thải hay tụt hậu lại phía sau. Nhưng việc lựa chọn giữa truy xuất nhanh theo mã QR code trong hệ thống nội bộ hay truy xuất mã số mã vạch sản phẩm theo chuỗi cung ứng để sản phẩm được phân phối, mở rộng hơn cần tính toán vì chi phí và giá thành khác biệt khá lớn. Cần xem xét, cân nhắc giữa chi phí đầu tư và lợi nhuận để việc kinh doanh vừa mang lại lợi ích vừa góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong xu thế 4.0 hiện nay. 

Trong quá trình thực hiện, các hợp tác xã, doanh nghiệp,… nếu gặp phải khó khăn, vướng mắc liên hệ Chi cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng để được giải đáp thắc mắc và hỗ trợ kịp thời.

       Lài Nguyễn- CCPTNT