Hội nghị sơ kết công tác thú y 11 tỉnh phía Nam
01/08/2022 - 08:53 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Theo
báo cáo của Chi cục Thú y vùng VI, trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh trên
gia súc, gia cầm và thủy sản trong vùng có xảy ra rải rác ở vài địa phương
nhưng sớm được khống chế, kiểm soát và không để lây lan trên diện rộng. Cụ thể,
trong 6 tháng đầu năm 2022, không ghi nhận các trường hợp heo mắc bệnh Tai
xanh, gia súc mắc bệnh Lở mồm long móng; chỉ ghi nhận các trường hợp mắc bệnh
Cúm gia cầm (H5N1) xảy ra tại 3 xã thuộc 2 tỉnh trong vùng, tổng số gia cầm chết
và tiêu hủy là 7.700 con; bệnh Dịch tả heo Châu Phi ghi nhận xảy ra tại 9 tỉnh
với 458 ổ dịch và tiến hành tiêu hủy 10.875 con; bệnh Viêm da nổi cục đã ghi nhận
xảy ra tại 7 tỉnh, với 17 ổ dịch và số lượng bò chết, tiêu hủy là 8 con. Đây là
kết quả đáng ghi nhận cho sự chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời các giải
pháp phòng, chống dịch của cơ quan thú y các cấp và sự đồng thuận tham gia với
trách nhiệm cao của các doanh nghiệp, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Riêng
tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không ghi nhận các trường hợp gia cầm, thủy cầm mắc
các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 11 ổ dịch heo mắc bệnh
Dịch tả heo Châu Phi với 274 con chết, tiêu hủy. Đến nay, đã qua 21 ngày, không
ghi nhận các trường hợp heo mắc bệnh tại các ổ dịch này.
Theo
Ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI cho biết, các ổ dịch gia
súc, gia cầm thường xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa thực hiện triệt để
các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đặc biệt xảy ra tại các hộ chăn
nuôi gia cầm nhỏ lẻ chưa được tiêm phòng vắc xin và các hộ chăn nuôi heo sử dụng
thức ăn từ nguồn thức ăn thu gom dư thừa từ các hàng quán, chưa qua xử lý cho
heo ăn.
Nhận định
trong thời gian tới, với những bất lợi về điều kiện thời tiết, mật độ chăn nuôi
cao và mầm bệnh còn lưu hành trong môi trường thì nguy cơ tiếp tục xảy ra các
loại dịch bệnh là có khả năng.
Về
công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, trong 6 tháng đầu năm, các tỉnh
thuộc vùng VI đã tổ chức cấp phát và tiêm phòng trên 28 triệu liều vắc xin các
loại và tiến hành kiểm tra lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng, kết quả tỷ lệ bảo hộ
của việc tiêm phòng đều đạt trên 80,2%.
Về
công tác xây dưng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, đã có 6 vùng an toàn
dịch bệnh được công nhận, trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu có 2 vùng được công nhận là
vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn tại thị xã Phú Mỹ
và huyện Châu Đức; 29 huyện được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật cấp
huyện và 36 trang trại, cơ sở được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Hiện trên toàn vùng đã có 1.132 cơ sở, trang trại được công nhận là cơ sở,
trang trại an toàn dịch bệnh và có những cơ sở, trang trại được công nhận an
toàn dịch bệnh đối với nhiều loại bệnh. Có thể nói, công tác duy trì, xây dựng
vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật là một trong những chìa khóa để giúp
ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững.
Tại hội
nghị, các đại biểu tham dự còn được cập nhật thông tin về sự lưu hành và giải
mã gen các loại vi rút gây bệnh như Cúm gia cầm, Dịch tả heo Châu Phi và Lở mồm
long móng.
Phát
biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Long - Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho
biết tổng đàn vật nuôi của các tỉnh thuộc vùng VI rất lớn, chiếm 20% tổng đàn vật
nuôi của cả nước, tốc độ vận chuyển, lưu chuyển đàn vật nuôi phục vụ cho tiêu
dùng trong nước lớn và các loại mầm bệnh còn lưu hành trong môi trường, do đó
nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao. Ông Long đề nghị các cơ quan quản lý thú y
các cấp trong vùng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì các kết quả
đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Đặc biệt trong thời
gian từ nay đến cuối năm 2022, các địa phương cần tập trung phối hợp thực hiện
đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó chú trọng đến
công tác tiêm phòng kịp thời, đầy đủ; tổ chức giám sát dịch bệnh và tăng cường
thanh tra, kiểm tra công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, quản lý và
buôn bán thuốc thú y./.
Thịnh Đức Minh