Hiệu quả từ mô hình "Tổ trồng rau an toàn"
09/04/2021 - 13:51 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Trên
diện tích 4.000m2 đất trồng rau, hoa màu của gia đình, chị
Nguyễn Thị Chín (tổ 5, ấp Láng Găng, xã Bình Châu) cặm cụi tưới nước, nhổ cỏ,
bón phân cho luống rau xà lách 20 ngày tuổi. Xong việc, chị quay sang cắt rau
cải ngọt, kiểm tra những trái bầu, bí lủng lẳng trên giàn để cắt giao cho
thương lái.
Chị Chín kể, từ năm 2017 trở về trước, gia đình chị trồng rau theo
phương pháp truyền thống, sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên đất
nhanh bạc màu, cằn cỗi. Năng suất thấp, rau bán ra không đáp ứng đầy đủ các
tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không tạo được uy tín với
người mua nên thu nhập thấp. Năm 2017, chị tham gia mô hình “Tổ trồng rau an
toàn” của Hội LHPN xã Bình Châu. Chị được tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn
cũng như những biện pháp phòng chống sâu bệnh trên rau bằng phân vi sinh ủ từ
phân chuồng, rơm rạ, xơ dừa… Chị cũng được hướng dẫn cách ủ thuốc trừ sâu từ
gừng, ớt, là các sản phẩm thân thiện với môi trường và bảo đảm an toàn cho
người dùng.
Từ
kinh nghiệm, kỹ thuật trồng rau học được, gia đình chị đã áp dụng và thấy rằng
trồng rau theo mô hình “Tổ trồng rau an toàn” đem lại nhiều hiệu quả. “Trồng
rau theo cách trồng truyền thống, gia đình tôi chỉ thu hoạch được 30-50kg
rau/ngày. Với mô hình mới, năng suất rau tăng gấp đôi, thu nhập bình quân hàng
tháng từ 6 triệu đồng cũng tăng lên hơn 12 triệu đồng. Ngoài việc đem rau bán
tại chợ Bình Châu, nhiều thương lái còn đến tận nhà đặt mua rau, bầu, bí về bán
tại các nơi khác”, chị Chín hồ hởi khoe.
Tương
tự, bà Cao Thị Lấm (ấp Bình Tiến, xã Bình Châu) cũng tham gia mô hình “Tổ trồng
rau an toàn” từ 3 năm nay. Dựa theo những kiến thức trồng rau đã được học từ
lớp tập huấn, trên diện tích 3.000m2, bà Lấm trồng nhiều loại rau ăn lá và
trồng thêm hoa cúc Đà Lạt. Áp dụng kỹ thuật canh tác hợp lý, sử dụng phương
pháp trồng rau an toàn, vườn rau của gia đình bà phát triển tốt, cho thu hoạch
10-12 lứa rau/năm, đem lại thu nhập hơn 7 triệu đồng/lứa. Bà Lấm nhận xét, từ
ngày tham gia “Tổ trồng rau an toàn”, năng suất, chất lượng rau ổn định hơn
trước, kinh tế gia đình dần cải thiện.
Bà
Đỗ Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Châu cho biết, mô hình được triển khai từ
năm 2017. Tham gia mô hình có 12 thành viên. Với tiêu chí trồng rau sạch, an
toàn, lượng rau ổn định, rau của các thành viên trong tổ dần tạo được uy tín
tại địa phương. Để đa dạng sản phẩm, các thành viên trong tổ cũng trồng thêm
một số loại rau được người dân ưa chuộng như: tần ô, dền, cà chua, dưa leo...
Trung bình, mỗi vụ rau cho thu nhập 10-15 triệu đồng/thành viên.
“Đây
là một trong những mô hình hiệu quả, tạo điều kiện phát triển kinh tế ổn định
cho hội viên phụ nữ của địa phương.Thời gian tới, Hội LHPN xã Bình Châu sẽ phối
hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn để tăng năng suất,
chất lượng rau của hội viên. Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực vận động để có thêm
nhiều chị em tham gia “Tổ trồng rau an toàn”, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm
sạch, an toàn để bà con yên tâm sử dụng, qua đó cải thiện thu nhập của chị em”,
bà Đỗ Thị Nga nói.
Kim Khánh: Nguồn: baobariavungtau.com.vn