Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo

24/06/2019 - 07:59 | Xúc tiến thương mại

Thay vì trồng lúa theo cách truyền thống, gần 30 xã viên ở Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt, huyện Long Điền đã mạnh dạn thử nghiệm trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap, tạo ra nông sản chất lượng cao, an toàn cho người dùng. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm lúa sạch được DNTN Thịnh Thành liên kết thu mua với giá cao, góp phần tăng thu nhập của bà con xã viên.

Năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt (HTX) trồng thử nghiệm 20ha lúa theo tiêu chuẩn VietGap.

Trước khi triển khai mô hình, HTX đã mời cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh về khảo sát, đánh giá chất lượng đất, nguồn nước… Bên cạnh đó, HTX phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa sạch theo tiêu chuẩn VietGap cho xã viên.

Ông Huỳnh Trung Thành–Giám đốc HTX cho biết, để lúa đạt tiêu chuẩn VietGap, xã viên phải sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo đủ 65 tiêu chí như: Ghi chép sổ nhật ký sản xuất, sử dụng các giống lúa xác nhận chất lượng cao, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, phun xịt thuốc đảm bảo thời gian cách ly theo quy định…Hiệu quả rõ nét của mô hình là giảm chi phí phân bón, thuốc BVTV, bảo đảm được sức khỏe người trồng lẫn người sử dụng. Trong sản xuất VietGap có 65 tiêu chí để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó quan trọng nhất là vùng đó có cho phép sản xuất lúa gạo hay không, khu vực đó có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hay không? và nhiều  tiêu chí khác nữa. Nếu bằng mắt thường thì mình không nhận ra nhưng khi phân tích ra rồi thì VietGap an toàn cho người tiêu dùng.

Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình sản xuất lúa sạch theo tiêu chuẩn VietGap của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt đã mang lại hiệu quả tích cực cả về mặt kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Năng suất lúa bình quân tăng không nhiều so với sản xuất lúa thông thường, nhưng chi phí đầu tư thấp hơn từ 1-2 triệu đồng/ha/vụ.

Với sản lượng khoảng 300 tấn/năm, hiện nay toàn bộ lúa sạch của HTX An Nhứt được DNTN Thịnh Thành tại TP Vũng Tàu bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg. DNTN Thịnh Thành cũng hỗ trợ cho HTX trong việc tái chứng nhận VietGap. Doanh nghiệp cũng đang dần chuyển giao các lúa giống xác nhận mới để HTX đưa vào sản xuất, góp phần cung ứng cho thị trường.


                  Sản phẩm gạo Thịnh Thành bày bán tại cửa hàng

Ông Tạ Hữu Thịnh–Giám đốc DNTN Thịnh Thành hy vọng rằng: “Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng chúng tôi rất mong thông tin truyền thông để người tiêu dùng hiểu được thế nào là gạo VietGap, quy trình sản xuất gạo VietGap như thế nào để ra dòng gạo ngon – đảm bảo an toàn chất lượng”.

Hiện nay đầu ra gạo sạch cung ứng cho thị trường còn gặp nhiều khó khăn bởi sự hiểu biết về gạo sạch của người tiêu dùng còn khá hạn chế. Chính vì vậy, để thúc đẩy việc tiêu thụ gạo sạch, cũng là góp phần cho nông dân mở rộng diện tích trồng lúa sạch, các đơn vị hy vọng cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý để gạo sạch được cung ứng vào các nhà máy, xí nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh.

CBTMNS (Nguồn Bản tin NN&TT)