Hiệu quả từ các chuổi liên kết trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

13/02/2023 - 08:26 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Trong những năm qua ngành chăn nuôi của tỉnh đã được quan tâm đầu tư, phát triển, do đó sản xuất chăn nuôi đã đạt được những kết quả quan trọng và tăng trưởng khá cao. Qui mô tổng đàn vật nuôi (ước): Tổng đàn heo 372.623 con, tăng 0,7% so năm 2021; tổng đàn gia cầm 6,5 triệu con, tăng 3,2% (trong đó có 4,41 triệu con gà, tăng 5%); tổng đàn bò 52.210 con, tăng 1,2%; tổng đàn dê, cừu 95.000 con, tăng 3,3%; tổng đàn trâu 390 con, bằng 86,7% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thịt hơi các loại 106.341 tấn, tăng 4,1% so năm 2021, trong đó: Thịt heo 69.503 tấn, tăng 4%; thịt trâu bò 6.480 tấn, tăng 4,3%; thịt gia cầm 27.295 tấn, tăng 4%; thịt dê cừu 3.063 tấn, tăng 5,6%; trứng gia cầm 190 triệu quả, tăng 11,8%.

Tính đến hết năm 2022, ngành chăn nuôi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bước đầu hình thành một số chuỗi; trong đó, chuỗi thịt heo (Phú Mỹ), chuỗi thịt bò (Bà Rịa) và chuỗi thịt gà (Châu Đức, Vũng Tàu) là 3 chuỗi đã bước đầu có các hình thức liên kết; ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia an toàn thực phẩm, Ban quản lý đề án ”Chuỗi thực phẩm an toàn” đã thẩm định và công nhận 4 cơ sở đáp ứng tiêu chí tham gia chuỗi an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, về thực chất, đây chỉ là những cơ sở đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm, các hoạt động chưa mang đầy đủ tính chất của chuỗi giá trị gia tăng và ATTP.

Theo kết quả tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện có 4 hình thức liên kết trong chăn nuôi như sau:

 Hình thức liên kết trong chăn nuôi gia công: Kết quả khảo sát cho thấy, hình thức chăn nuôi gia công đang chiếm khoảng 35 - 40% quy mô đàn (heo và gà) toàn tỉnh. Chăn nuôi gia công là hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi, tạo ra sản phẩm chăn nuôi. Các công ty nước ngoài như CP, Evivest; Japa... có trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và vắc xin; hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi, thu hồi sản phẩm và thanh toán tiền công nuôi theo kết quả chăn nuôi cho hộ gia công. Các hộ nuôi gia công, chủ yếu là các trang trại chăn nuôi phải cung cấp lao động, trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi

Đánh giá về ưu nhược điểm của hình thức liên kết này như sau:

P Ưu điểm: Chăn nuôi theo hình thức gia công có độ an toàn với dịch bệnh cao do đội ngũ cán bộ thú y của doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ và người chăn nuôi không lo đầu ra cho sản phẩm. Các hộ chăn nuôi gia công sẽ được đối tác đầu tư trọn gói từ giống, thức ăn, kỹ thuật còn người chăn nuôi chỉ tốn công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Theo đánh giá của Chi cục Thú y, lợi thế của việc chăn nuôi theo hình thức này là an toàn dịch bệnh cao những quy định quản lý dịch bệnh được các cơ sở chăn nuôi áp dụng theo quy trình của đối tác; phía địa phương kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra, kiểm soát con giống ngay từ khi các công ty đối tác của người chăn nuôi đưa vào. Theo định kỳ, lực lượng thú y sẽ kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, có lấy mẫu huyết thanh để kiểm tra bảo hộ đàn gia súc, gia cầm. Khi mức độ bảo hộ thấp, ngành thú y sẽ làm việc với các công ty đối tác của người chăn nuôi để bảo đảm an toàn trong chăn nuôi.

P Nhược điểm: Tồn tại lớn nhất trong chăn nuôi gia công là chi phí xây dựng chuồng trại rất lớn, hầu hết người chăn nuôi đều phải thế chấp tài sản là nhà cửa và đất đai của mình; trong khi đó, đơn giá gia công thường rất thấp nên người chăn nuôi gia công hầu như không có lãi. Ngoài ra, một tồn tại lớn nữa là: nguy cơ ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi rất lớn nhưng phía các doanh nghiệp đã đẩy trách nhiệm xử lý môi trường cho người chăn nuôi.

           Hình thức liên kết trong chăn nuôi giữa trang trại, HTX với các hộ chăn nuôi vệ tinh: Trong hình thức này, trang trại hoặc hợp tác xã thực hiện vai trò điều hành chuỗi; do đang làm đại lý vật tư chăn nuôi (Thức ăn và thuốc thú y được cung cấp, thông qua hợp đồng bởi các công ty như: Lái Thiêu, Cargill, Tiến Đại Phát, Công ty TNHH Dinh Dưỡng Á Châu...). Đồng thời các đại lý này cũng có cơ sở sản xuất giống vật nuôi và một số cơ sở có lò giết mổ gia súc, gia cầm; ngoài ra, các cơ sở này cũng có một số mối hàng tiêu thụ sản phẩm khá ổn định. Các loại vật tư kể trên được đại lý cung cấp (thông qua hợp đồng) cho các cơ sở chăn nuôi vệ tinh. Sản phẩm sau chăn nuôi một phần cung cấp cho cơ sở giết mổ của chuỗi; phần còn lại bán cho các thương lái. Sản phẩm sau giết mổ hoặc sơ chế tại chuỗi một phần được cung cấp cho các mối hàng tiêu thụ ổn định; phần còn lại sẽ được bán cho thương lái. Kết quả khảo sát cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 15 – 20% quy mô đàn toàn tỉnh được chăn nuôi theo hình thức liên kết này. Có thể nêu tên các chuỗi đang hoạt động hiệu quả như: Doanh nghiệp tư nhân Hà Tuyển; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tam Phước; doanh nghiệp tư nhân Mai Thủy...

          Đánh giá về ưu nhược điểm của hình thức liên kết này như sau:

P Ưu điểm: Sản phẩm chăn nuôi qua giết mổ bán cho chợ đầu mối và các mối hàng cố định được sản xuất theo chuỗi khép kín; các giao dịch như cung ứng vật tư chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi với các cơ sở vệ tinh, thu mua sản phẩm... đều thông qua hợp đồng với những ràng buộc chặt chẽ; nên quy trình sản xuất luôn được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm có cơ hội để truy xuất nguồn gốc; ngoài ra, với hình thức này hoàn toàn có thể giảm bớt các hoạt động trung gian, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật, góp phần nâng cao giá trị gia tăng.

P Nhược điểm lớn nhất của hình thức liên kết này là khả năng vốn đầu tư của các chủ thể hạn chế nên, công suất của hầu hết các khâu đều khó có cơ hội mở rộng. Hơn nữa, do khả năng mở rộng thị trường của chủ chuỗi hạn chế nên việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo chuỗi phần lớn vẫn phụ thuộc vào hệ thống thương lái. Kết quả điều tra cho thấy, trong toàn bộ sản lượng sản phẩm chăn nuôi, chỉ có khoảng 20% được giết mổ tại cơ sở giết mổ của chuỗi (80% còn lại được bán cho thương lái). Trong 20% sản lượng được giết mổ tại chuỗi, chỉ có khoảng 20% sản phẩm sau giết mổ được bán tại cửa hàng của chuỗi hoặc phân phối cho các mối cố định (80% còn lại được bán cho thương lái).

Hình thức liên kết trong chăn nuôi trang trại nhỏ và nông hộ: Các trang trại nhỏ và nông hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lựa chọn hình thức tự túc trong chăn nuôi; theo đó, con giống vật nuôi, thức ăn gia súc và thuốc thú y đều được mua ở các cơ sơ kinh doanh tại địa phương, sản phẩm sau chăn nuôi được bán cho thương lái; thương lái bán cho các lò mổ; sau đó, hệ thống thương lái khác vận chuyển thịt từ các lò mổ đến các chợ đầu mối hoặc chợ bán lẻ. Kết quả khảo sát cho thấy, hình thức chăn nuôi trang trại nhỏ và nông hộ đang chiếm khoảng 30 - 35% quy mô đàn (heo và gà) toàn tỉnh.

P Điểm yếu lớn nhất trong hình thức này là tồn tại một hệ thống các đối tác trung gian. Đối với các yếu tố đầu vào, đối tác trung gian là các đại lý cấp II và các cửa hàng bán lẻ thức ăn gia súc, thuốc thú y... Đối với yếu tố đầu ra, đối tác trung gian là thương lái mua (heo, gà) của trang trại và thương lái bỏ mối thịt heo của các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm. Các trung gian này là nguyên nhân chính của các tồn tại lớn trong chăn nuôi hiện nay; đó là: lợi nhuận của người chăn nuôi thấp (do phải chia sẻ giá trị gia tăng), chất lượng sản phẩm giảm (do sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian), không có cơ hội truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Qua nhiều khâu trung gian, không thông qua hợp đồng)...

Hình thức liên kết trong chăn nuôi doanh nghiệp và trang trại lớn Có thể mô tả các hoạt động chăn nuôi ở doanh nghiệp và trang trại lớn như sau:

P Các doanh nghiệp hoặc trang trại lớn thường có hợp đồng ổn định với các tập đoàn lớn  như: tập đoàn Hoàng Gia De Heus, Công ty TNHH thức ăn gia súc Lái Thiêu, Cargill, Công ty Tiến Đại Phát, Công ty TNHH dinh dưỡng Á Châu... chuyên cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; thậm chí nếu cần, có thể ứng vốn trước theo hợp đồng.  

P Sản phẩm sau chăn nuôi sẽ được phân phối theo các kênh như sau:

j Cung cấp cho Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) hoặc các doanh nghiệp có nhu cầu lớn trên địa bàn các tỉnh Đồng Nam Bộ.

k Doanh nghiệp tự giết mổ, sơ chế và bán tại cửa hàng của doanh nghiệp hoặc bỏ mối tại các bếp ăn tập thể, siêu thị (tuy nhiên, việc xây dựng cửa hàng riêng cho doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn nên kênh tiêu thụ sản phẩm này đang  gặp trở ngại).

l Phần còn lại, doanh nghiệp bán cho hệ thống thương lái, thương lái bán cho các lò mổ, lò mổ bán cho thương lái thịt, thương lái thịt đi bỏ mối ở các chợ... như đã trình bày đối với những trang trại nhỏ và vừa.

P Tồn tại lớn nhất trong hình thức này là việc xây dựng cửa hàng riêng cho doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ không hết, các doanh nghiệp buộc phải bán sản phẩm cho thương lái. Nếu có hệ thống cửa hàng riêng cho doanh nghiệp hoặc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch hoạt động tốt thì đây sẽ là mô hình tốt cho tương lai.

Định hướng chuỗi liên kết chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới

Từ bài học chuỗi sản phẩm thịt gà của Việt Nam đạt điều kiện xuất khẩu được vào thị trường khó tính Nhật Bản, ngành chăn nuôi của tỉnh có quyền hy vọng thịt heo, thịt gia cầm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng sẽ có bước đột phá. Điều cần thiết là tổ chức lại ngành hàng này theo mô hình liên kết chuỗi với các cấp độ, trong đó quy mô sản xuất lớn của doanh nghiệp, Hợp tác xã phải tập trung cao để xuất khẩu; quy mô vừa và nhỏ sản xuất cung cấp cho thị trường trong nước và phát triển chăn nuôi với các loại vật nuôi đặc sản gắn với chăn nuôi hữu cơ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao. Ngoài ra, cần tập trung đầu tư kinh phí cho việc quy hoạch vùng chăn nuôi; quan tâm đầu tư cho ngành chăn nuôi - thú y từ Tỉnh đến huyện, xã, thực hiện tốt công tác quản lý và hướng dẫn chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu các chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, như: lở mồm long móng, dịch tả heo, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 13/7/2022 về việc phê duyệt Dự án xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

          Theo đó, hình thành trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 19 chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm chăn nuôi; trong đó 8 chuỗi liên kết chăn nuôi heo, 8 chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm và 3 chuỗi liên kết trứng gia cầm. Đảm bảo 75% sản phẩm chăn nuôi cung ứng ra thị trường trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm. Quy mô đàn vật nuôi được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm là: heo 396 ngàn con, chiếm 75% quy mô đàn heo toàn tỉnh; gia cầm thịt 6,3 triệu con, chiếm 70% quy mô đàn gia cầm thịt toàn tỉnh gia cầm đẻ 420 ngàn con, chiếm 80% quy mô đàn gia cầm đẻ toàn tỉnh. Giá thành sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh giảm trên 8% so với sản phẩm chăn nuôi không theo chuỗi; trong đó giá thành 01 kg thịt heo giảm 8,17%; giá thành 01 kg thịt gia cầm giảm 16,3% và giá thành 01 quả trứng gia cầm giảm 12,06%. Đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm với chất lượng cao nhất, an toàn thực phẩm và có thể truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chăn nuôi. Đảm bảo sự hài hòa lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi về sự phân chia giá trị gia tăng của chuỗi. Bảo đảm tốt yêu cầu về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

                                                                         Hạnh Nguyễn – Chi cục CNTY