Hiệu quả trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
07/07/2023 - 15:08 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Triển khai thực hiện các
nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh trong
thời gian qua đã tạo được sự lan tỏa, tạo cú hích cho phát triển các mô hình ứng
dụng công nghệ cao trên quy mô toàn tỉnh. Hầu hết các lĩnh vực của ngành nông
nghiệp đều có ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất. Việc triển khai
thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao trên địa bàn tỉnh thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng doanh
nghiệp, tổ chức kinh tế, các nhà khoa học và được người dân tích cực hưởng ứng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025,
qua hơn 04 năm thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 của Tỉnh ủy về phát
triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm
nhìn đến năm 2025, về cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao gắn với kết quả rà soát, thực hiện đối với các tiêu chí nông
thôn mới (tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn) bước đầu đã đạt được một số kết
quả nhất định, có khả năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh, tạo nhiều việc làm mang
lại thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, cụ thể như
sau:
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 02 vùng nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao được UBND tỉnh công nhận: vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ
cao với diện tích 303,5 ha tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ được UBND tỉnh công nhận
tại Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 24/5/2019 và vùng trồng Hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Hội, Hòa Hiệp, huyện
Xuyên Mộc được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 3032/QĐ-UBND ngày 30/9/2022. Ngoài ra, tại Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 21/3/2023
của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 585-KL/TU
ngày 19/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Đề án
số 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến
năm 2025, tỉnh cũng đã định hướng phát triển các
vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng
cao, nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025, công
nhận thêm ít
nhất 03 vùng NNUDCNC trên địa bàn tỉnh, cụ
thể: vùng sản xuất Hồ tiêu huyện Châu Đức (dự kiến năm 2023), Vùng chăn nuôi
heo huyện Châu Đức (dự kiến năm 2024), Vùng sản xuất cây ăn quả tại Thị xã Phú
Mỹ (dự kiến năm 2025). Đồng thời, bước đầu cũng đã định hướng phát triển một số vùng
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với những đối tượng cây trồng chủ lực
theo thế mạnh của từng địa phương như: Huyện Đất Đỏ gắn với với vùng phát triển rau,
mãng cầu, hoa cây cảnh các loại; huyện Châu Đức gắn với vùng phát triển hồ
tiêu, ca cao; huyện Xuyên Mộc gắn với vùng phát triển cây nhãn, thanh long, hồ
tiêu; thị xã Phú Mỹ gắn với vùng phát triển cây bưởi da xanh.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã tạo
động lực, khuyến khích các doanh nghiệp và bà con nông dân đầu tư chuyển đổi sản
xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cụ thể:
+
Tính đến thời điểm hiện tại (6/2023), trên địa bàn tỉnh có 402 cơ sở sản xuất
trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (tăng 58 cơ sở so với cùng kỳ), với quy mô diện
tích 5.694 ha (tăng 373 ha so cùng kỳ), diện tích đang sản xuất 5.685
ha. Các công nghệ áp dụng điển hình như: Nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới
tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy
canh,… trên các sản phẩm như rau các loại (rau ăn lá, dưa lưới,…), cây ăn quả
(bưởi, chuối, bơ, nhãn, mít,…), cây công nghiệp (hồ tiêu, ca cao,…), hoa,
nấm ăn,...Một số doanh nghiệp trồng trọt ứng dụng công nghệ cao điển hình như:
Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông nghiệp và dược liệu Phong Thảo, Công ty Hòa
Lâm, Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài,...
+
Trong chăn nuôi, hiện có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ
cao (tổng đàn 264.945 con heo, 1.840.000 con gà thịt, 98.000 con gà trứng,
36.000 con vịt trứng, 36.000 vịt giống, chiếm tỷ lệ 30,2% tổng đàn gia cầm và
66,2%/tổng đàn heo). Các công nghệ sử dụng gồm: Trang trại thiết kế hệ thống
chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong
chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại. Một số doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng
công nghệ cao điển hình như: Trang trại chăn nuôi heo Trang Linh, Trang trại
chăn nuôi heo Vĩnh Tân 2,…
+
Trong lĩnh vực thủy sản, có 22 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống
thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 422,3 ha (tăng 13,2
ha so với cùng kỳ). Công nghệ áp dụng sản xuất: nuôi trong ao đất hay hồ tròn
có lót bạt trong nhà màng, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, sử dụng hệ thống
máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel,
quy trình 03 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2,
3-5 vụ/năm,...Một số doanh nghiệp thủy sản ứng dụng công nghệ cao điển hình
như: Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Thủy sản Phước
Hải, Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Mạnh Cường, HTX nông nghiệp Quyết Thắng,
Farm Liên Giang, Farm Thái Hà, Công ty TNHH Thủy sản công nghệ cao Việt Nam,…
Sản xuất ứng dụng công nghệ cao giúp các cơ sở chủ động
được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch hại, vật tư
nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt một số tiêu chuẩn về an toàn thực
phẩm, VietGAP,… đồng thời sản xuất có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do đó
giá trị sản xuất được nâng lên rất nhiều so với sản xuất thông thường.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết với các HTX và
bà con nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số loại
cây trồng, gồm: hồ tiêu, lúa, ca cao, rau các loại, cây ăn quả,... với tổng diện
tích 16.377 ha, tăng 36,2 ha so cùng kỳ và bằng tháng trước (trong đó: lúa
115 ha, bắp 43 ha, rau 29 ha, cao su 14.287 ha, cacao 54 ha, hồ tiêu 793 ha,
cây ăn quả 1.015 ha, khoai mài 60 ha,...). Trong chăn nuôi, có 29 cơ sở
nuôi heo với tổng đàn khoảng 28.900 con nái và 72.800 con heo thịt, 23 cơ sở
chăn nuôi gà với tổng đàn 2.240.000 con gà thịt và 152.000 con gà trứng, 07 cơ
sở chăn nuôi vịt với tổng đàn 172.000 con vịt trứng liên kết theo hình thức
chăn nuôi gia công. Trong nuôi trồng thủy sản có khoảng 310 ha sản xuất dưới
hình thức hợp tác và liên kết.
Toàn tỉnh hiện đã có 89 sản phẩm OCOP được chứng nhận
(trong đó: sản phẩm đạt 4 sao: 62 sản phẩm; sản phẩm đạt 3 sao: 27 sản phẩm). Sản
phẩm đạt chứng nhận OCOP chủ yếu là các sản phẩm đặc trưng của địa phương như:
Cà phê, Ca cao, hồ tiêu, hạt điều, nấm đông trùng hạ thảo, khoai hoài sơn, mật
ong, sản phẩm từ quả nhàu...
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện
thúc đẩy các dự án trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, tỉnh cũng đã có chủ
trương, tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Công ty Cao su Thống Nhất, Công ty Cao su Hòa
Bình 2, Công ty cao su Bà Rịa chuyển đổi một số diện tích đất đang trồng cây cao
su cho hiệu quả thấp chuyển sang đầu tư trồng một số cây trồng ứng dụng công nghệ cao,
mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài các dự án, phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao đang được các cơ sở, trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình triển
khai thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả nhất định, thì hiện nay tỉnh Bà Rịa –
Vũng Tàu cũng đang lập các thủ tục nhằm thu hồi hơn 700 ha trên địa bàn huyện
Châu Đức hiện do Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa đang quản lý để kêu gọi đầu tư nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong thời gian tới, để
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh phát triển vượt bậc gắn với xây dựng
nông thôn mới và bảo vệ môi trường, cần chú trọng một số giải pháp, cụ thể như
sau:
Thứ nhất: Cần đẩy mạnh tuyên truyền,
phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thông tin, chính sách nhằm
khuyến khích doanh nghiệp, trang trại, cơ sở đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào
sản xuất.
- Giới thiệu các vùng
nông nghiệp công nghệ cao được công nhận và quy hoạch vào các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, danh
mục các dự
án kêu gọi đầu tư để cho các nhà đầu tư
tiếp cận. Tổ chức công bố rộng rãi các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát
triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025.
- Tăng cường kết nối với
các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng kênh thông tin hiệu
quả về môi trường đầu tư. Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa
lý, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông sản.
Thứ hai: Sớm ban hành chính sách cụ thể khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: chính sách hỗ trợ miễn giảm tiền
sử dụng đất; chính sách hỗ trợ nghiên
cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ đầu
tư cơ sở bảo
quản, chế biến nông sản nhất là bảo quản và chế biến sâu; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ;
tạo điều kiện thực hiện nhanh các thủ tục giao đất để các doanh nghiệp sớm triển
khai các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
Thứ ba: Cần ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông
nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp công
nghệ cao tại các địa phương; chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp
công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển trang trại công nghệ cao trong nông nghiệp; phát
huy tốt vai trò của HTX trong việc kết nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp; xúc
tiến thương mại nông nghiệp, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm
về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Tận dụng tối đa các kênh huy động vốn cho nông nghiệp
công nghệ cao. Trong đó, bố trí vốn ngân sách tập trung vào nghiên cứu công nghệ
cao, xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các chương trình hợp tác. Đối với nguồn
vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng và quỹ đầu tư ưu tiên bố trí cho các doanh nghiệp
ươm tạo, các mô hình đổi mới sáng tạo và các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ
cao đối với các sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Thứ tư: Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu
tư. Trong đó ưu tiên lựa chọn, thu hút các doanh nghiệp,
nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về vốn, về khoa
học công nghệ, có tiềm năng thị trường phong
phú, đa dạng; ưu tiên thu hút các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với
phát triển bền vững và thân thiện môi trường.
Thứ năm: phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 150 sản
phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, góp phần phát triển kinh tế nông
thôn, xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thứ sáu: Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu
UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến
độ thu hồi đất tại 02 khu vực xã Xuân Sơn và xã Quảng Thành, huyên Châu Đức
theo Đề án 04 của Tỉnh ủy nhằm thực hiện kêu gọi đầu
tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thứ bảy: Cần phát huy mạnh mẽ
vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao. Các doanh nghiệp phải đảm bảo làm nồng cốt hỗ trợ, hướng dẫn
chuyển giao khoa học kỹ thuật trong vùng sản xuất để liên kết sản xuất những sản phẩm đạt
yêu cầu đầu ra của thị trường, cũng như việc tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho
bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường.
Lài Nguyễn –
Chi cục Phát triển nông thôn