Hãy chủ động phòng, chống bệnh dại, vì một sức khỏe, không tử vong
01/10/2023 - 13:44 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Theo
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, mỗi
năm có khoảng gần 60.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc
xin phòng dại. Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm và là một trong
những bệnh truyền nhiễm có số ca tử vong cao nhất. Thời gian qua, công tác
phòng chống bệnh dại đã được đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định. Tuy
nhiên, từ năm 2022 đến nay, tình hình bệnh dại có diễn biến phức tạp với số ca
tử vong cao. Đến nay, cả nước đã ghi nhận 61 ca tử vong do dại, tăng 18 ca so với
cùng kỳ năm ngoái (~42%). Bên cạnh đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến
ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, tỉnh
Gia Lai ghi nhận 10 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022), số tỉnh
ghi nhận từ 5 ca tử vong do dại trở lên cũng tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Bệnh Dại
(Rabies) là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp
tính ở động vật máu nóng gây ra. Động vật sau khi nhiễm vi rút Dại có thời gian
ủ bệnh khác nhau tùy thuộc loài động vật, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn.
Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô
thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết.
Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng đàn chó nuôi khoảng gần 60.000 con/83 phường,
xã, thị trấn. Số chó nuôi nhiều nhất là ở Huyện Xuyên Mộc (4.910 hộ với 9.823
con); Huyện Châu Đức (7.423 hộ với số hộ nuôi là 9.786 con); Thành phố Vũng Tàu
(5.986 hộ với tổng đàn 8.836 con); Thị xã Phú Mỹ (4.644 hộ với tổng đàn 8.616
con); Thành phố Bà Rịa (3.447 hộ với tổng đàn 7.020 con); Các huyện có số lượng
chó ít hơn tập trung ở các huyện Huyện Long Điền (1.829 hộ với tổng đàn 4.580
con); Huyện Đất Đỏ (2.229 hộ với tổng đàn 4.256 con) và Huyện Côn Đảo (297 hộ với
tổng đàn 678 con).
Kết quả thực hiện công tác phòng chống bệnh Dại đến tháng 9
năm 2023
Công tác tuyên truyền
đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bệnh Dại và các biện pháp phòng
chống bệnh Dại ở động vật, trách nhiệm chủ nuôi chó về quản lý và đưa chó đi
tiêm phòng Dại, hướng dẫn xử lý vết chó cắn, báo cáo trường hợp bị động vật
cắn. Kết quả là nhận thức của cộng đồng, ngành Y tế, ngành Thú y, chính quyền
các cấp về phòng, chống bệnh Dại đã từng bước được nâng cao. Cụ thể với các
hình thức tuyên truyền: Tổ chức 07 lớp tập huấn phổ biến, tuyên truyền biến các
văn bản pháp luật, các chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh Dại; quy định
về nuôi chó, trách nhiệm của người nuôi chó và quản lý chó nuôi những kiến
thức về phòng chống bệnh Dại; công tác tiêm phòng bệnh Dại; công tác điều tra,
giám sát, xử lý ổ dịch Dại ở động vật khi có dịch xảy cho 400 người tham dự (là
chủ hộ nuôi, trưởng khu phố, thôn ấp, thú y viên phường xã). Triển khai lắp đặt
23 pano tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại cho các trường Tiểu học trên địa bàn
thành phố Vũng Tàu, nhằm tăng cường tuyên truyền giáo dục truyền thông học đường
về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng chống để phục vụ
công tác “duy trì vùng an toàn bệnh Dại ở động vật trên địa bàn thành phố”. Tổ
chức 14 ngày tuyên truyền lưu động bằng xe (có gắn pano và loa) chạy trên các
tuyến đường chính tại các huyện (thành phố, thị xã) để người dân hiểu được tính
chất nguy hiểm của bệnh Dại đối với con người và các biện pháp phòng, chống bệnh
Dại ở động vật. Phát 10.000 tờ rơi tuyên truyền đến chủ vật nuôi thông qua các
Ban điều hành ấp, khu phố. Qua đó, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người
chăn nuôi trong việc quản lý đàn chó nuôi và phòng chống dịch bệnh Dại.
Công tác tiêm phòng tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó mèo
trên địa bàn tỉnh năm 2023, được tổ chức theo Kế hoạch số 11/KH-CNTY ngày 30
tháng 03 năm 2023. Thời gian tiêm phòng đợt chính từ ngày 17/4/2023 đến
17/5/2023 và trong các tháng còn lại, các địa phương tùy theo kế hoạch, tình
hình của từng địa phương tổ chức tiêm phòng bổ sung cho số chó, mèo bỏ sót
trong đợt tiêm chính, số đến tuổi tiêm phòng, số mới nuôi theo hướng dẫn của
Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Ngoài việc tổ
chức các đợt tiêm phòng trực tiếp từng hộ nuôi chó mèo, Chi cục Chăn nuôi và
Thú y thiết lập thêm “Điểm tiêm phòng cố định” để tạo điều kiện thuận lợi cho
người nuôi chó có thể chủ động thời gian mang chó đến các điểm này để thực hiện
tiêm phòng tại 15 xã, thị trấn thuộc các huyện Long Điền, Đất Đỏ.
Bên cạnh những kết qảu đạt được thì công tác phòng chống bệnh
Dại ở động vật trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, tồn tại như số chó
nuôi chủ yếu ở khu vực nông thôn, và nuôi thả rông nên gây khó khăn trong công
tác tiêm phòng. Bên cạnh đó, nhận thức của người một số chủ hộ nuôi chó về bệnh
Dại còn nhiều hạn chế, chưa hiểu hết được tính chất nguy hiểm của bệnh dại,
không chấp hành tiêm phòng dại cho chó, thả rông chó ra ngoài đường, không rọ
mõm, không có người dắt trở thành mối đe dọa khôn lường, gây nguy hiểm cho người
khác. Công tác bắt chó thả rông còn chưa được triển khai hiệu quả do thực tế hiện
nay lực lượng công chức, viên chức tại các địa phương rất mỏng, vì vậy gặp rất
nhiều khó khăn trong việc tổ chức thành lập Đội chuyên trách để bắt chó thả
rông và xây dựng kinh phí thực hiện, đồng thời số lần triển khai không được nhiều.
Trong khi số lượng chó thả rông nhiều, đặc biệt là tại các khu thành thị gây bức
xúc cho người dân.
Nhằm mục tiêu kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo
nuôi và không để xảy ra trường hợp người tử vong vì bệnh Dại, góp phần bảo vệ sức
khỏe người dân và cộng đồng. Nâng cao
nhận thức của người dân về bệnh Dại và các biện pháp phòng chống bệnh Dại ở
động vật. Nâng cao chất lượng
hoạt động phối hợp liên ngành Y tế - Chăn nuôi Thú y trong công tác phòng,
chống, khống chế bệnh Dại trên người và động vật ở địa bàn tỉnh. Chi cục Chăn
nuôi và Thú y đã rà soát tổng hợp kết quả công tác phòng chống bệnh Dại ở động
vật năm 2023, những khó khăn và tồn tại,
tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê
duyệt kế hoạch phòng chống bệnh Dại ở động vật năm 2024.
Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y