GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO SẦU RIÊNG

07/06/2024 - 15:02 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Ngày 10 tháng 5 năm 2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã tổ chức “Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững” do Thứ trưởng Hoàng Trung chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương. Đặc biệt, Hội nghị có sự tham gia đông đảo của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất và xuất khẩu sầu riêng trên toàn quốc. Sau khi nghe báo cáo của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và ý kiến thảo luận của các đại biểu dự Hội nghị về thực trạng và giải pháp để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, Thứ trưởng Hoàng Trung kết luận như sau: Từ năm 2015 đến nay, tổng diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32 nghìn ha lên hơn 150,8 nghìn ha (bình quân tăng 19,5%/năm, tương ứng 13,2 nghìn ha/năm); sản lượng sầu riêng tăng cao, từ 366 nghìn tấn lên hơn 1196 nghìn tấn (bình quân tăng 14,7%/năm, tương ứng 92,2 nghìn tấn/năm). Việc “tăng trưởng nóng” về diện tích, sản lượng sầu riêng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có biến động phát sinh của thị trường.

Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã có các văn bản chỉ đạo phân công, phân cấp cụ thể, tài liệu kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các khâu: cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tất cả các khâu từ sản xuất đến xuất khẩu sầu riêng (quy hoạch, quản lý giống, quy trình canh tác, thu hoạch sản phẩm, các giải pháp kỹ thuật, chỉ tiêu về chất lượng, giám sát dư lượng thuốc BVTV hay kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói) đều đang gặp nhiều vấn đề, dẫn đến tình trạng có nhiều lô hàng sầu riêng nhận được cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật (KDTV) và an toàn thực phẩm (ATTP) và có dấu hiệu gia tăng. Tình trạng vi phạm này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường mà Việt Nam đã mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Để giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay và định hướng sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương, các tổ chức cá nhân có liên quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:

1. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT

a) Cục Trồng trọt

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, xác định và điều chỉnh lại quy mô các vùng trồng tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch và định hướng đã được phê duyệt tại Quyết định 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030;

- Chủ trì, phối hợp với các các đơn vị rà soát, xây dựng và ban hành tất cả các quy trình chuẩn về canh tác, thu hoạch, sản xuất sầu riêng rải vụ, thích ứng biến đổi khí hậu theo các vùng sản xuất trọng điểm; khẩn trương rà soát, sửa đổi “TCVN 10739: 2015 - Sầu riêng quả tươi” và nâng cấp thành Quy chuẩn Việt Nam; trong đó bổ sung cụ thể chỉ tiêu hàm lượng chất khô, thời gian thu hoạch, quy cách thu hoạch cho phù hợp theo vùng, mùa vụ và các giống khác nhau, đảm bảo nâng cao chất lượng quả sầu riêng;

- Chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường hoàn thiện bộ giống sầu riêng;

- Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn cho người sản xuất thực hiện các quy trình canh tác, thu hoạch theo các tài liệu hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói và các chế tài xử lý vi phạm.

b) Cục Bảo vệ thực vật:

- Xây dựng các chương trình giám sát về dư lượng thuốc BVTV, ATTP sầu riêng xuất khẩu, có kế hoạch đào tạo và hướng dẫn cho các địa phương thực hiện; hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói và vùng trồng thực hiện truy xuất lô hàng sầu riêng bị cảnh báo vi phạm; khuyến cáo việc thực hiện kiểm tra chỉ tiêu về ATTP với các lô hàng sầu riêng trước khi xuất khẩu đảm bảo yêu cầu của phía Trung Quốc;

- Tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng và các sản phẩm từ sầu riêng. Sớm có kế hoạch ký kết các Nghị định thư để xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn các địa phương thực hiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu;

- Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tiến hành xác minh nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng vi phạm;

- Tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho cán bộ địa phương, tổ chức, cá nhân về các quy định của nước nhập khẩu; chuyển đổi và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tập huấn theo phương thức dễ tiếp cận đối với từng đối tượng cụ thể;

- Chỉ đạo các cơ quan KDTV tại các cửa khẩu tăng cường kiểm tra KDTV; tập trung đề xuất phương án kiểm tra chất lượng và độ chín đối với các lô hàng sầu riêng xuất khẩu. Không thực hiện cấp giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu cho lô hàng bị phát hiện nhiễm đối tượng KDTV do phía Trung Quốc thông báo và có ý kiến gửi địa phương kiên quyết áp dụng các biện pháp dừng sử dụng các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu không tuân thủ Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc;

- Thực hiện tạm dừng tất cả các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sau khi nhận được thông báo vi phạm KDTV và ATTP của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

2. Đối với các Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Chỉ đạo sản xuất phù hợp với định hướng phát triển ngành hàng; giảm thiểu tình trạng phát triển tự phát, đặc biệt là tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, vùng bị ảnh hưởng hạn mặn trong mùa khô; không tự phát chuyển đổi các loại cây trồng khác có giá trị sang trồng mới sầu riêng nhằm phù hợp với quy hoạch của địa phương. Tổ chức thực hiện sản xuất rải vụ thu hoạch sầu riêng theo nhu cầu thị trường, có hiệu quả;

- Thúc đẩy liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sầu riêng, gia tăng cả về số lượng, chất lượng, thực chất và hiệu quả; nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, nông dân và năng lực quản trị của các hợp tác xã trong chuỗi giá trị; tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Phát triển chuỗi giá trị nông sản; liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm;

- Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để có kế hoạch bố trí ngân sách kinh phí để thực hiện công tác cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phục vụ xuất khẩu. Hàng năm, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chương trình giám sát về ATTP và tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu;

 - Tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, vi phạm nhiều lần. Kiên quyết áp dụng biện pháp thu hồi, dừng sử dụng các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng vi phạm hoặc không đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

3. Đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói:

- Nâng cao chất lượng vùng trồng, cơ sở đóng gói bằng cách kiểm soát chặt chẽ các đối tượng sinh vật gây hại mà nước nhập khẩu quan tâm, giám sát dư lượng thuốc BVTV, ATTP; kiểm soát tốt khâu thu hoạch để đảm bảo quả sầu riêng thu hoạch phải đủ độ chín sinh lý;

 - Tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng đến các cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý KDTV và xuất khẩu để tạo ra sản phẩm chất lượng đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia;

- Phối hợp với các cơ quan quản lý để thực hiện giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy định; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất tại vùng trồng và người lao động tại cơ sở đóng gói để nắm được các quy định và yêu cầu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của các nước nhập khẩu;

- Thực hiện nghiêm việc ghi chép nhật ký sản xuất, đóng gói và theo quy định của Nghị định thư để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

4. Đối với Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu:

- Cùng tham gia với các cơ quan quản lý địa phương và đơn vị thành viên xây dựng thói quen trong thu hoạch, đảm bảo sản phẩm thu hoạch phải đạt độ chín sinh lý; cùng nhau chia sẻ lợi ích một cách minh bạch;

- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, tập huấn phổ biến các quy định và các giải pháp kỹ thuật mới để sầu riêng đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu;

- Yêu cầu các đơn vị phải cung cấp sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp từ các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phê duyệt mã số và được kiểm soát chặt chẽ.

Thanh Hiền TT&BVTV