Giải pháp đột phá chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

27/02/2025 - 09:19 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ được coi là những giải pháp đột phá giúp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.

Trong nhiều thế kỷ vừa qua, nông nghiệp Việt Nam đã đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế quốc dân, đảm bảo an ninh lương thực và tạo việc làm cho phần lớn dân số. Tuy nhiên, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên khiến ngành nông nghiệp dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và biến động thị trường toàn cầu. Điều này đòi hỏi một sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp.

Trước thực trạng đó, việc chuyển đổi tư duy từ “ sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” trở thành yêu cầu tất yếu, giúp ngành nông nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong dài hạn.

Để có thể hiện thực hóa được mục tiêu này, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ chính là những giải pháp đột phá. Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số giúp tối ưu hóa toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp.

- Các công nghệ như: IoT (internet kết nối vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo) và Big Data (cơ sở dữ liệu lớn) cho phép thu thập và phân tích dữ liệu từ môi trường sản xuất, giúp nông dân kiểm soát tốt hơn các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản. Đây được xem là yếu tố then chốt giúp nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản, Mỹ.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn tạo điều kiện phát triển hệ thống logistics thông minh, bao gồm kho bãi hiện đại, phương tiện vận chuyển chuyên dụng và các dịch vụ hậu cần hỗ trợ lưu trữ và phân phối nông sản. Điều này giúp giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch và đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ở một góc nhìn khác, chuyển đổi số thông qua các hoạt động thương mại điện tử cũng mở ra cơ hội mới cho nông sản Việt Nam.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể:

(1) Hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ tại nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khiến nông dân khó tiếp cận công nghệ mới.

(2) Việc thiếu kỹ năng số và kiến thức công nghệ dẫn đến nông dân khó tiếp cận và làm quen với việc vận hành các thiết bị và hệ thống số.

(3) Chi phí đầu tư ban đầu cho các hệ thống công nghệ cao vẫn còn khá cao so với khả năng tài chính của nhiều hộ nông dân nhỏ lẻ. Việc thiếu cơ chế chính sách đồng bộ và chưa có hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp cũng làm chậm quá trình chuyển đổi.

Để giải quyết những thách thức này, cần có những giải pháp đột phá.

Thứ nhất, đầu tư mạnh vào hạ tầng số và mở rộng kết nối Internet đến các vùng nông thôn.

Thứ hai, tăng cường đào tạo kỹ năng số cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp thông qua các chương trình tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật.

Thứ ba, hỗ trợ về tài chính và tín dụng ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp trong việc đầu tư công nghệ số.

Thứ tư, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số bao gồm doanh nghiệp công nghệ, cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng nông dân, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp công nghệ mới.

Lài Nguyễn – PTNT