Giá vịt thịt giảm mạnh từ tết Nguyên Đán Ất tỵ

14/02/2025 - 09:50 | Giá cả, thông tin thị trường

Dữ liệu giao dịch từ thị trường cho thấy, giá vịt thịt từ đầu năm 2025 có dấu hiệu giảm mạnh. Nếu như ở những tháng cuối của năm 2024 giá vịt thịt dao động ở mức từ 38.000-46.000 đồng/kg, trung bình đạt 44.000 đồng/kg. Thì bắt đầu từ tháng 1/2025, giá vịt cả nước ghi nhận ở mức từ 34.000 – 41.000 đồng/kg, trung bình khoáng 37.000 đồng/kg. Đến cuối tháng thì giảm xuống còn 26.000 – 31.000 đồng/kg, trung bình khoảng 28.000 đồng/kg. Thị trường vịt thịt hôm nay ngày 12/2/2024 giữ ở mức 20.000 – 29.000 đồng/kg, trung bình 26.000 đồng/kg. Với mức giá này đang gây khó khăn cho người chăn nuôi. Bởi theo tình toán của các cơ sở chăn nuôi vịt thịt thì giá thành sản xuất cơ bản để tạo ra 1kg vịt hơi trung bình khoảng 35.000 đồng/kg. Đó là trong điều kiện thuận lợi, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như:

Những yếu tố ảnh hưởng đến chi phí nuôi vịt thịt

          Điều kiện thời tiết và khí hậu

          Thời tiết có thể ảnh hưởng đến quá trình nuôi vịt, đặc biệt là nhiệt độ và độ ẩm. Trong mùa mưa hoặc khi thời tiết có độ ẩm cao, vịt sẽ rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ngược lại, vào mùa khô nóng, việc cung cấp nước và đảm bảo chuồng trại thoáng mát trở nên quan trọng hơn. Các điều kiện bất lợi này có thể làm tăng chi phí nuôi vịt, đặc biệt là chi phí thuốc men.

          Biến động giá cả thị trường

Giá cả của các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, và thuốc men có thể biến động theo thời gian. Đặc biệt, giá thức ăn thường xuyên thay đổi tùy vào tình hình cung cấp nguyên liệu. Do đó, nông dân cần tính toán kỹ lưỡng và linh hoạt trong việc điều chỉnh chiến lược nuôi để tối ưu hóa chi phí.

          Tỷ lệ sống của đàn vịt

          Tỷ lệ sống của đàn vịt cũng ảnh hưởng lớn đến chi phí và lợi nhuận của người chăn nuôi. Một đàn vịt khỏe mạnh với tỷ lệ sống cao (trên 95%) sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả kinh tế tốt hơn. Ngược lại, nếu tỷ lệ sống thấp do các yếu tố về bệnh tật hoặc quản lý không tốt, thì khi đó chi phí sẽ tăng lên mà doanh thu lại giảm.

          Bệnh Cúm gia cầm (CGC)

           Năm 2024, cả nước xảy ra 16 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 10 tỉnh, thành phố; số gia cầm mắc bệnh là 98.436 con, số gia cầm chết và tiêu hủy là 113.270 con. So với CKNT, số ổ dịch giảm 23,8%, nhưng số gia cầm bị tiêu hủy tăng 2,78 lần. Hiện nay, có 2 xã thuộc 2 huyện của tỉnh Thanh Hóa chưa qua 21 ngày. Số
gia cầm mắc bệnh là 7.763 con; tổng chết và tiêu hủy là 15.271 con.

          Tình hình bệnh Cúm trên động vật hoang dã: Năm 2024, dịch Cúm A/H5N1 đã xảy ra trên động vật hoang dã tại Vườn thú Mỹ Quỳnh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với số chết, tiêu hủy là 30 con (27 con hổ và 03 con sư tử) và Khu Du lịch sinh thái Vườn Xoài của tỉnh Đồng Nai làm chết, tiêu hủy 21 con (20 con hổ, 01 con báo)

           Kết quả giám sát chủ động CGC do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Hoa Kỳ tài trợ, đã thực hiện xét nghiệm 1.442 mẫu gộp tại 12 tỉnh, thành phố.
Trong đó, 496 mẫu dương tính với vi rút Cúm A (34,4%), 45 mẫu dương tính với CGC A/H5N1 (3,12%) tại 06 tỉnh và 01 mẫu dương tính với CGC A/H5N6 (0,07%) tại 01 tỉnh.

          Năm 2024, Cục Thú y đã gửi 1.420 mẫu vi rút CGC, trong đó có 1.372 mẫu giám sát chủ động bệnh CGC, 48 mẫu ổ dịch bệnh CGC năm 2023 và 2024 sang phòng thí nghiệm của CDC Hoa Kỳ để giải trình tự gien và phân tích chuyên sâu. Kết quả cho thấy, vi rút CGC gây ra các ổ dịch trong năm 2024 thuộc chủng vi rút A/H5N1, clade 2.3.2.1c và 2.3.4.4b. Các ổ dịch xảy ra chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc và miền Nam.

          Nguy cơ bệnh CGC tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì: (i) Các ổ dịch CGC chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa
được tiêm phòng vắc xin CGC; (ii) Thời tiết thay đổi, số lượng gia cầm nuôi, việc vận chuyển giữa các địa phương tăng cao để phục vụ nhu cầu cuối năm. Kết quả giám sát chủ động để xác định vi rút CGC lưu hành với tỷ lệ ở mức tương đối cao; (iii) Một số chủng vi rút CGC (A/H7N9, A/H5N2) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía bắc.

                                            Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi Thú y