Giá trứng toàn cầu tăng vọt khắp thế giới

02/10/2024 - 11:59 | Giá cả, thông tin thị trường

Giá trứng toàn cầu tăng 20-30%

Sau khi lắng xuống trong gần hết năm 2023, sự bùng phát trở lại gần đây của dịch cúm gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên khắp Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã khiến giá trứng tăng vọt trở lại. Theo các nhà phân tích tại Rabobank, giá trứng trung bình toàn cầu đã tăng 60% so với năm 2019.

          Nguyên nhân nào khiến giá trứng tăng vọt trong thười gian gần đây? Theo phân tích của các chuyên gia do tình trạng thiếu hụt nguồn cung do các đợt bùng phát cúm gia cầm cao điểm ở Bắc Mỹ và châu Âu, dẫn đến việc phải tiêu hủy hàng chục triệu con gia cầm đẻ trứng. Theo Rabobank cho biết khoảng 33 triệu con gà mái đã bị tiêu hủy tại Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 đến tháng 7/2024, ngay sau một đợt bùng phát cúm gia cầm khác vào năm 2022 đã tiêu hủy 40 triệu con gà mái đẻ. Thêm vào đó người tiêu dùng cũng đang chuyển sang dùng trứng như một nguồn protein có giá cả phải chăng hơn so với thịt và mối lo ngại về lượng khí thải carbon từ việc tiêu thụ thịt cũng thúc đẩy nhu cầu về trứng.

          Trung Quốc luôn là nước sản xuất nhiều trứng nhất thế giới, chiếm tỷ lệ 34%. Tổng sản lượng trứng năm 2018 nước này đạt 466 tỷ quả; tiếp đến là EU, Mỹ và Ấn Độ. Cả 4 khu vực dẫn đầu này sản xuất gần 60% sản lượng trứng toàn cầu. Danh sách 10 nước và khu vực sản xuất trứng hàng đầu (Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Brazil, Liên Bang Nga, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm 76% tổng sản lượng trứng của thế giới).

           Nhóm 10 nước dẫn đầu về tiêu thụ trứng/người là: Nhật Bản, Paraguay, Trung Quốc, Mexico, Ukraina, Malaysia, Brunei, Slovakia, Belarus, Liên Bang Nga. Trong đó có đa số các nước có mức tiêu thụ: trên/hoặc bằng 300 trứng/người/năm.

          Hiện tại, giá trứng tại Mỹ cao hơn gấp ba lần so với 5 năm trước, một chục quả trứng loại A lớn hiện có giá 2,41 USD (khoảng 62 nghìn đồng) ở Mỹ, tăng hơn 10% kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, giá trứng ở Nam Phi tăng gấp đôi trong cùng kỳ, trong khi ở Nga, Nhật Bản, Brazil, châu Âu và Ấn Độ giá đã tăng từ 50 đến 90%. Tại Nhật Bản, là nước tiêu thụ trứng theo bình quân đầu người lớn thứ hai trên thế giới và trứng là nguyên liệu quan trọng trong ẩm thực của người Nhật. Đất nước này đã ghi nhận giá trứng gà cỡ trung bình tăng từ 179 yên/kg (~30 nghìn đồng) vào đầu năm lên khoảng 218 yên/kg (~ 36 nghìn đồng) tính đến ngày 17/4, tương đương hơn 20%. Và hiện tại đang ở mức 233 yên/kg tăng 30% so với cùng kỳ. Mexico, quốc gia tiêu thụ trứng trên bình quân đầu người cao nhất thế giới, đã chứng kiến giá tăng 30% lên 45 peso/kg (~60 nghìn đồng) so với tuần trước. Tại Indonesia, nước sản xuất trứng lớn thứ hai thế giới, giá trứng gà thuần chủng cũng tăng hơn 20% kể từ đầu năm, theo dữ liệu từ Cơ quan Lương thực Quốc gia nước này.

          Việt Nam là quốc gia còn nhiều dư địa phát triển ngành công nghiệp trứng gia cầm

          Từ đầu thập niên 2000, ngành công nghiệp trứng gia cầm nước ta bắt đầu thời kỳ phát triển. Hầu như liên tục có sự tăng trưởng qua từng năm về sản lượng trứng. Trong đó giai đoạn 2015-2020 có mức tăng trưởng khá ấn tượng, so với năm trước: năm 2015 sản lượng trứng đã tăng trên 7,5%, năm 2016 tăng 6,44%, năm 2017 tăng 12,6%, 2018 tăng 9,47%, năm 2019 tăng 18,1%, năm 2020 tăng 13,34%.

           Sản lượng trứng: năm 2020 so với năm 2011 đã tăng 2,018 lần, trung bình tốc độ tăng trưởng về chỉ tiêu sản lượng trứng trong 10 năm từ 2011-2020 là 9,33%, mức tăng cao nhất trong toàn bộ các loại sản phẩm sản xuất của ngành chăn nuôi. Tiêu thụ trứng /người/năm tăng gần 2 lần trong 10 năm (2011:78 qủa trứng/người, 2021: 149,37 quả trứng/người, tương đương tăng 1,951 lần. Đây có thể ghi nhận là kỳ công và đóng góp đáng quý của ngành gia cầm trong việc nâng cao chất lượng sống cho người Việt.

          Nguyên nhân chủ yếu do người tiêu dùng đã quan tâm sử dụng trứng gia cầm trong bữa ăn hàng ngày, nhất là cho các đối tượng như trẻ em, người già, cũng do thu nhập dần cao hơn. Nhiều bếp ăn của các khu công nghiệp hình thành, du lịch phát triển nhanh. Xuất hiện nhiều cơ sở chăn nuôi gà, vịt lấy trứng có đầu tư con giống nhập ngoại có năng suất cao, áp dụng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng tiên tiến…

          Thập kỷ 2011-2020 còn đánh dấu sư hình thành hệ thống chăn nuôi gà công nghiệp đẻ trứng với quy mô lớn, công suất sản xuất trên 500 ngàn tới trên 1 triệu trứng/ngày. Gà được nuôi trong lồng tại các chuồng hiện đại, khép kín (chuồng lạnh), có hê thống cấp nước, thức ăn, tạo ẩm, thông gió hiện đai. Toàn bộ được tự động hóa và ứng dụng công nghiệp 4.0. Trứng được chuyển qua dây chuyền xử lý hiện đại để lựa chọn, phân loại, bao gói trước khi chuyển đến các quầy bán thực phẩm, các siêu thị. Có thể kể đến các cơ sở như của Công ty Gia cầm Hòa Phát, Ba Huân, Emivest, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty San Hà, Tập đoàn Dabaco, Công ty Vĩnh Thành Đạt,  Công ty Năm Hưởng, Công ty An Tỷ, Công ty TAFA…Một số doanh nghiệp nuôi gà đẻ trứng siêu lớn như Công ty TNHH QL Việt Nam, Công ty Viet Swan, Công ty gia cầm Hòa Phát, sắp tới là Công ty Mebi Farm…khi đi vào hoạt động đúng công suất thiết kế sẽ góp phần tăng nhanh rất nhiều sản lượng trứng tại Việt Nam, đủ phục vụ nhu càu tiêu dùng ngày càng tăng trong nước và xuất khẩu quy mô lớn. Nhiều công ty ngoài việc cung cấp trứng tươi, còn xây dựng dây chuyền chế biến trứng như sản xuất bột trứng sấy khô, trứng vịt muối xuất khẩu, trúng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng bắc thảo ăn liền, trứng gà xông khói kiểu Hàn Quốc …để đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tâp đoàn Dabaco đã sản xuất sản phẩm trứng gà Omega 3, trứng gà DHA, trứng gà vỏ xanh, trứng gà ăn liền Devi…

          Kế hoạch sản xuất trứng gia cầm giai đoạn 2021 - 2023

          Chính phủ đã phê duyệt Kế hoach Phát triển đối với sản xuất và tiêu thụ Trứng gia cầm đến năm 2030 như sau:

          Đến năm 2025 đạt sản lượng trúng 18-19 tỷ quả, bình quân tiêu thụ 180-190 quả trứng/người. Đến năm 2030 đạt sản lượng trứng 220-230 tỷ quả, bình quân tiêu thụ 220-225 quả trứng/người.  Như vậy, tới năm 2030, người Việt sẽ tiêu thụ trứng binh quân trên 220 trứng/người/năm, vào nhóm nước có ngành chăn nuôi gia cầm phát triển và đời sống khá. Cao hơn mức bình quân trứng/người toàn cầu là mơ ước chúng ta sẽ đạt được trong thập kỷ tới.

Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y