Giá thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ 3 trong năm 2022

13/04/2022 - 09:12 | Giá cả, thông tin thị trường

Kể từ ngày 01/4/2022, các công ty cung cấp thức ăn trên cả nước đều điều chỉnh giá thức ăn các loại, theo đó, giá thức ăn được điều chỉnh tăng từ 300 đến 400 đồng/kg. Đây là đợt tăng giá thứ 3 và tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 900 đến 1.200 đồng/kg.

Cụ thể, theo thông báo của Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, nhóm sản phẩm đậm đặc (heo và gia cầm), nhóm sản phẩm cho heo con tăng 400 đ/kg và tất cả các sản phẩm còn lại tăng 300 đ; Công ty TNHH CJ Vina Agri điều chỉnh tăng 400 đ/kg đối với tất cả các loại thức ăn đậm đặc, thức ăn heo con, bò tăng và tăng 300 đ/kg đối với thức ăn cho heo nái, heo thịt, gà thịt, gà đẻ, vịt thịt, vịt đẻ tăng 300 đ/kg; Công ty cổ phần MSN Feed (nhãn hiệu Proconco và Anco), thức ăn đậm đặc dành cho heo tăng 400 đ/kg và thức ăn đậm đặc dành cho gia súc, gia cầm khác đều tăng 300 đ/kg. Nguyên nhân điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi là do tình hình giá nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Theo Cục Chăn nuôi, trên cả nước có khoảng 269 cơ sở với tổng công suất thiết kế là 43,3 triệu tấn, sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2021 là 21,9 triệu tấn. Để đáp ứng sản lượng thức ăn chăn nuôi như trên, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh. Năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn, trong đó trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (22,3 triệu tấn). Do đó trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, đối với nông hộ, bà con nên tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để phối trộn, từ đó giảm giá thành chăn nuôi.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh khoảng gần 7 triệu con, trong đó đối tượng vật nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp là chủ yếu chiếm đến 87% và phụ thuộc chính vào nguồn thức ăn nhập từ các tỉnh khác. Trong bối cảnh, giá thức ăn có thể điều chỉnh tăng tiếp trong thời gian tới, chỉ có những trang trại chăn nuôi chủ động được nguồn con giống, thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất kỹ thuật và đảm bảo an toàn dịch bệnh mới có khả năng tồn tại.

Một trong những mô hình chăn nuôi mà bà con chăn nuôi trong tỉnh có thể tham khảo để giảm chi phí thức ăn trong chăn nuôi là mô hình chăn nuôi kết hợp của Ông Nguyễn Quang Quang tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức. Ông Quang nuôi các loại vật nuôi như bò, dê, bồ câu, gà thả vườn, cá, heo. Chăn nuôi theo mô hình khép kín, phân gia súc, gia cầm được dùng để nuôi trùn quế và ruồi lính đen làm thức ăn cho gà, cá và làm phân vi sinh sử dụng trong để cải tạo đất trồng cỏ cho bò ăn. Các sản phẩm chăn nuôi mà ông Quang cung cấp ra thị trường gồm gà thịt thả vườn, trứng gà, heo thịt, dê bò thịt, bồ câu ra ràng và cá nước ngọt các loại. Đây là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển chăn nuôi vì chăn nuôi theo hình thức này là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y