Giá thức ăn chăn nuôi liệu có thể giảm lần 3 trong năm 2024?

24/07/2024 - 09:27 | Giá cả, thông tin thị trường

Thống kê từ thị trường cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay gia thức ăn chăn nuôi (TACN) đã có 02 lần điều chỉnh giảm. Cu thể, lần thứ nhất vào khoảng đầu tháng 3/2024, nhiều công ty sản xuất kinh doanh TACN như New Hope, Lái Thiêu, Hòa Phát, Rico, Cargill… đã thông báo giảm giá thức ăn chăn nuôi. Theo đó, giá bán sẽ được giảm từ 100-400 đồng/kg tùy vào từng loại sản phẩm.

          Tiếp đó, ngày 11/5/2024 giá thức ăn chăn nuôi lần lượt điều chỉnh giảm từ 100 đến 500 đồng/kg. Đó là thông báo chính thức từ 2 "ông lớn" ngành thức ăn chăn nuôi trong nước là Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty TNHH De Heus. Đây có thể được xem là lần giảm giá thứ 2 trong năm 2024.

          Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, giá TACN sau hai lần điều chỉnh đã giảm từ 200 đến 800 đồng/kg. Đây được xem là niềm vui đối với người chăn nuôi, khi mà giá các sản phẩm chăn nuôi xuất chuồng ở mức tốt, trong khi chi phí sản xuất giảm do giá thành thức ăn chăn nuôi giảm (chi phí này chiếm 65% trong tổng chi phí sản xuất).

          Liệu có thể có đợt giảm giá lần thứ 3 trong thời gian tới?

          Theo thông tin từ Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy thị trường nông sản thế giới chứng kiến tất cả các mặt hàng đồng loạt giảm giá từ đầu tháng 7/2024 nhất là giá ngô, đậu tương (nguyên liệu được Việt Nam nhập khẩu nhiều phục vụ sản xuất TACN). Thị trường tiếp tục chịu sức ép và đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong gần 4 năm qua. Trong báo cáo mới phát hành, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo nước này sẽ xuất khẩu 10,29 triệu tấn đậu tương trong tháng 7, tăng so với mức 9,5 triệu tấn được đưa ra trước đó. Con số này thấp hơn so với mức 14,5 triệu tấn được ghi nhận trong tháng 6 nhưng đã vượt mức 9,9 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Việc Brazil đẩy mạnh xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục khiến nguồn cung trên thị trường dồi dào. Đây là yếu tố khiến giá đậu tương suy yếu.   Cùng với đó giá ngô đã sụt giảm gần 4%, xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm và là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Triển vọng nguồn cung tích cực từ Mỹ và Brazil là yếu tố đã khiến giá ngô chịu áp lực vào hôm qua. Bên cạnh đó, Brazil dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu kể từ tháng này nhờ việc thu hoạch ngô nhanh chóng. Công ty tư vấn AgRural cho biết, tính tới ngày 4/7, tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 năm nay của Brazil hiện đã đạt 63% kế hoạch, tăng từ mức 49% được ghi nhận một tuần trước đó và cao hơn nhiều so với mức 26% cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết khô ráo kèm nhiệt độ trên mức trung bình ở hầu hết các khu vực nông nghiệp đã thúc đẩy hoạt động thu hoạch. 

          Chịu áp lực bán ngay từ khi mở cửa, giá lúa mì đã giảm gần 2% vào hôm qua. Thời tiết tại Nga đã có cải thiện là yếu tố khiến thị trường chịu áp lực. Trung tâm nghiên cứu hàng hóa của LSEG mới đây đã nâng dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2024-2025 của Nga lên 82,9 triệu tấn, tăng nhẹ so với ước tính trước đó do mưa quay trở lại khu vực Ural và Siberia đã cải thiện độ ẩm đất. Điều này dự kiến sẽ giúp năng suất lúa mì vụ xuân tăng lên mức 1,97 tấn/ha, góp phần cải thiện nguồn cung. Dự báo thời tiết cho thấy lượng mưa ở Siberia sẽ cao hơn mức bình thường trong thời gian còn lại của tuần này, và các vùng trồng lúa mì xuân sẽ có khí hậu ẩm ướt. Đây là yếu tố đã đè nặng lên thị trường. 

          Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào ngày 12/7/2024, giá chào khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta có xu hướng giảm nhẹ. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán khô đậu tương kỳ hạn tháng 11 và 12 năm nay dao động quanh mức 11.450 đồng/kg. Trong khi đó, tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn, dao động quanh mức 11.300 đồng/kg. Với việc các mặt hàng nguyên liệu TACN giảm giá, hy vọng các công ty sản xuất TACN trong nước sẽ điều chỉnh giá giảm trong lần tiếp theo.

                                         Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y