Giá tăng thị phần gạo Việt Nam ở châu Phi bằng gạo thơm

18/11/2024 - 22:01 | Giá cả, thông tin thị trường

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang tập trung nhiều ở khu vực châu Á, trong khi thị trường châu Phi cũng rất có tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu.

Thị trường nhiều tiềm năng

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), châu Phi là một thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam.

Trong những năm qua, một số quốc gia châu Phi đã đẩy mạnh sản xuất lúa gạo nhằm tăng dự trữ và đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng việc này rất khó khăn do những vấn đề tài chính và kỹ thuật canh tác… Sự gia tăng dân số, lượng khách du lịch và lực lượng lao động châu Á đến châu Phi ngày càng nhiều, khiến cho nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi có chiều hướng tăng lên.

Chính vì vậy, trong những năm tới, châu Phi vẫn là thị trường đầy tiềm năng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo.

Tại châu Phi, Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Cameroon là những nước nhập khẩu gạo chính của Việt Nam. Thị trường Bờ Biển Ngà vẫn duy trì ổn định vị trí là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam tại châu lục này. Gạo của Việt Nam hiện được xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu qua trung gian là các tập đoàn thương mại quốc tế lớn như Louis Dreyfus, Olam, Phoenix, Platinum, Wilmar, WSGF Group, Stallion Group…

Giảm gạo thường, tăng gạo thơm

Trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu là gạo trắng hạt dài 15% và 25% tấm. Trong những năm gần đây, thị phần của gạo Việt Nam tại thị trường châu Phi có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Lợi thế của những nước này là nguồn gạo trắng tồn kho giá rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người tiêu dùng châu Phi

Bên cạnh gạo giá rẻ, nhu cầu sử dụng gạo thơm ở châu Phi đang tăng lên do đô thị hóa cộng với thu nhập tăng ở khu vực thành thị. Bà Nguyễn Chi Mai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nigeria (kiêm nhiệm cả một số nước châu Phi khác, trong đó có Ghana), cho biết, người dân đô thị ở Ghana ưa chuộng gạo nhập khẩu (nhất là gạo thơm) hơn gạo nội địa. Vì vậy, 80% gạo nhập khẩu của nước này được tiêu thụ ở các đô thị. Các nhà hàng ở Ghana thường sử dụng gạo thơm nhập khẩu để thu hút khách hàng. Ghana nhập khẩu gạo thơm chủ yếu từ Việt Nam, Mỹ và Canada.

Với xu thế đó, trong thời gian qua, các nhà nhập khẩu ở châu Phi đang ngày càng tìm mua nhiều hơn gạo thơm Việt Nam do chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, xuất khẩu gạo thơm Việt Nam sang châu Phi trong những năm gần đây có sự tăng trưởng tốt.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đánh giá, gạo thơm hiện là một trong những loại gạo có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của Việt Nam sang châu Phi. Vì vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm sang châu Phi là giải pháp để gạo Việt Nam gia tăng về kim ngạch cũng như thị phần tại châu lục này.

Một số giải pháp cần thiết

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại gạo tại châu Phi; chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, liên hệ với Bộ Công Thương, các cơ quan Thương vụ để tìm kiếm đối tác, cung cấp các sản phẩm phù hợp.

Để tạo được niềm tin lâu dài với người tiêu dùng châu Phi, các doanh nghiệp cần chủ động tìm biện pháp nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu thông qua việc nâng cấp các công nghệ sau thu hoạch, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong tạm trữ. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ ngoại ngữ, kiến thức chuyên sâu về ngoại thương, kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo với mục tiêu thâm nhập lâu dài và bền vững tại thị trường gạo châu Phi.

DNT (nguồn: Báo Nông nghiệp VN).