Giá mặt hàng nông sản thế giới- nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên sàn giao dịch đồng loạt giảm giá

11/11/2022 - 07:52 | Giá cả, thông tin thị trường

Dữ liệu thị trường được chúng tôi quan sát trên sàn giao dịch hàng hóa MXV từ ngày 06/11/2022 đến ngày 10/11/2022 cho thấy tràn ngập sắc đỏ, lực bán có phần chiếm ưu thế đã khiến chỉ số MXV- Index quay đầu giảm nhẹ 0,19%. Trong ngày thị trường giằng co tìm kiếm xu hướng giá, dòng tiền đầu tư trong nước có sự sụt giảm, thể hiện tâm lý thận trong của nhà đầu tư.

            Góp phần vào xu hướng giảm của phần lớn các nguyên liệu trên thị trường trong ngày hôm qua là sự suy yếu của hầu hết các mặt hàng nông sản trên Sở Chicago. Trong khi lúa mì Chicago và lúa mì Kansas diễn biến có phần trái chiều, thì cả 3 mặt hàng trong nhóm đậu tương đồng loạt đón nhận lực bán mạnh. Dầu đậu tương kỳ hạn tháng 12 dẫn đầu đà giảm ở mức 1.09% xuống 1.682 USD/tấn. Giá ngô cùng kỳ hạn cũng ghi nhận đà giảm 0,77% về mức 266 USD/tấn.

          Tác động từ số liệu báo cáo xuất khẩu trong Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ là nguyên nhân chính gây áp lực tới giá ngô. Cụ thể, giao hàng ngô trong tuần vừa rồi chỉ đạt mức 231,4 nghìn tấn và giảm gần một nửa so với mức 445,6 nghìn tấn trong báo cáo trước. Việc khối lượng giao hàng ngô của Mỹ đột ngột giảm mạnh xuống dưới mức kỳ vọng của thị trường đã tạo áp lực lên giá, đặc biệt là trong bối cảnh tốc độ thu hoạch đang được đẩy mạnh.

          Trong khi đó, giá lúa mì có xu hướng giằng co khi quốc gia cung ứng quan trọng Ukraine cho biết, đã xuất khẩu gần 14,3 triệu tấn ngũ cốc kể từ đầu niên vụ 22/23 cho tới hiện tại, giảm hơn 30% so với mức 20,6 triệu tấn cùng kỳ niên vụ trước. Tuy nhiên, theo MXV, nếu như thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen tiếp tục được gia hạn thì nước này có thể xuất khẩu 6-7 triệu tấn nông sản mỗi tháng. Đánh giá này được đưa ra dựa trên khối lượng ngũ cốc nước này đã xuất khẩu trong tháng 09 và tháng 10 – 1 tháng sau khi thỏa thuận đi vào hoạt động ổn định. Điều này đủ để giúp Ukraine đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

          Trên thị trường nội địa, giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mặc dù giảm nhẹ so với cuối tuần trước, nhưng vẫn neo ở mức giá cao. Cụ thể, giá ngô giao vào cuối năm nay tại cảng Cái Lân đang được chào bán trong khoảng từ 8.950 đồng/kg, còn giá giao vào quý I năm sau ở khoảng 9.150 -9.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá khô đậu tương được bán trong khoảng 14.850 đồng/kg cho kỳ hạn giao đến cuối năm nay.

          Giá heo hơi trong nước bắt đầu tăng trở lại

          Trong khi đó tín hiệu vui cho người chăn nuôi heo khi giá heo hơi trên thị trường trong nước bắt đầu tăng từ ngày 07/11/2022 với mức tăng từ 2.000-3.000đ/ngày, hiện đang dao động ở mốc 55.000-56.000đ/kg. Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong thời gian tới, giá heo hơi tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng cao vào thời điểm cuối năm. Chỉ còn gần ba tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Vì vậy, hiện nay người chăn nuôi cũng chuẩn bị nguồn thịt cung ứng cho người tiêu dùng đón Tết.

          Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng với những biến động kinh tế, thị trường hiện nay, người chăn nuôi muốn tái đàn, mở rộng đàn gia súc, gia cầm để tăng lượng thịt cung ứng cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Cục thông tin thêm thời gian qua, nhu cầu phục hồi chậm nên nhập khẩu thịt heo liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý III, Việt Nam nhập khẩu 32 nghìn tấn thịt heo, trị giá 67 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. “Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp cuối năm. Tuy nhiên do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

                                     Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh