Giá lúa gạo giảm mạnh sau Tết

27/02/2024 - 14:51 | Giá cả, thông tin thị trường

Từ sau Tết đến nay, ngay cả khi Việt Nam đã trúng thầu 300.000 tấn cho thị trường Indonesia, giá lúa gạo đang có xu hướng giảm khá mạnh. Năm 2023, lúa gạo đã giúp người dân Đồng bằng sông Cửu Long "ăn nên làm ra". Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, ngay cả khi Việt Nam đã trúng thầu 300.000 tấn cho thị trường Indonesia, giá lúa gạo đang có xu hướng giảm khá mạnh. 11 công ruộng của ông Huỳnh Minh Vũ - Huyện Tam Bình, Vĩnh Long sắp đến ngày thu hoạch. Giá thương lái thu mua trưa nay là 7.200 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông cầm chắc từ lỗ đến hòa vốn. Ông Vũ cho biết: "Giá lúa như vậy thì bán ra không có lãi. Đó là khó khăn thứ nhất. Thứ hai, nếu giá lúa như vậy thì mình neo trên đồng ruộng lâu, lúa sẽ giảm năng suất".

Xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài

            So với thời điểm trước Tết, giá lúa hiện nay đã giảm khoảng 30%. Sự lao dốc quá nhanh này khiến thị trường trở nên trầm lắng. Nhiều thương lái buộc phải bỏ cọc để hạn chế thua lỗ.

            Ông Nguyễn Tấn Tiến - một thương lái ngậm ngùi: "Càng ngày càng lỗ. Năm nay thương lái lỗ trắng. Bỏ cọc bao nhiêu là mất hết bấy nhiêu".

            Ông Nguyễn Như Nguyện - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thạnh, Tam Bình, Vĩnh Long cho biết: "Cách đây khoảng 5, 7 ngày, thương lái đến đặt cọc khoảng 9.100 đồng – 9.200 đồng. Đến hiện tại, thương lái bỏ cọc thì giá lúa sụt giảm, chỉ còn 7.000 đồng - 7.200 đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của bà con nông dân".

            Cùng với lúa, giá gạo cũng lao dốc giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với trước tết. "Giá lúa trong năm rất cao. Các đơn vị thu mua tàng trữ trông chờ đẩy giá xuống để mua. Tôi nghĩ, trong những ngày tới, giá sẽ bình ổn trở lại" - ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV chia sẻ.

            Áp lực thu hoạch vụ Đông Xuân không hề nhỏ. Trong khi các doanh nghiệp, các thương lái có thể chờ đợi để theo dõi tín hiệu của thị trường. Tuy nhiên, những cánh đồng lúa chín thì bắt buộc phải thu hoạch. Túi tiền của bà con nông dân đang hẹp dần.

            Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá lúa và gạo xuất khẩu của Việt Nam đột ngột giảm mạnh là do đang vào vụ mùa chính của năm 2024 nên lượng cung dồi dào, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng. Tuy nhiên, xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài. Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tăng sự chủ động về nguồn cung. Hiện các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đang đẩy mạnh thu mua lúa.

                                                VTH (Nguồn: VTV.vn)