Giá cà phê tăng “phi mã” ngay trong mùa thu hoạch
04/12/2024 - 20:53 | Giá cả, thông tin thị trường
Hiệp
hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết trong tuần cuối của tháng 10/2024, giá cà
phê tại thị trường nội địa đã tăng “phi mã”. Tại thời điểm ngày 1/12/2024, giá
cà phê nhân xô thu mua tại các vườn ở Tây Nguyên đạt mốc kỷ lục 131.000
đồng/kg, tăng 13.000 đồng/kg so với ngày 24/11/2024.
Ngày
2/12, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giảm bình quân 1.000 đồng/kg so với
ngày 1/12, tuy nhiên vẫn đứng ở mức cao ngất ngưởng, trung bình 129.200 đồng/kg.
Cụ thể: giá cà phê tại Đắc Nông cao nhất với 129.500 đồng/kg; tại Đắk Lắk và
gia Lai 129.000 đồng/kg; tại Lâm Đồng 128.500 đồng/kg. Như vậy, so với thời
điểm ngày 1/1/2024 (mới chỉ 68.100 – 68.900 đồng/kg) thì hiện tại (ngày
2/12/2024) giá cà phê đã tăng 60.000 đồng/kg.
GIÁ CÀ PHÊ TĂNG CAO, VÌ ĐÂU?
Theo Reuters, giá cà phê
nội địa tại Việt Nam tăng trong thời điểm mùa thu hoạch cà phê đang diễn ra, là
do nhu cầu lớn và nguồn cung hạn chế, dù đang vào mùa thu hoạch cao điểm. Trong
2 tháng kể từ vụ thu hoạch mới bắt đầu, hiện nông dân ở Tây Nguyên mới thu
hoạch được khoảng 20% sản lượng cà phê. Khác với các năm trước, nông dân không
gặp nhiều áp lực tài chính nhờ thu nhập ổn định từ các cây trồng khác như sầu
riêng và tiêu. Điều này giúp họ không vội vàng thu hoạch hoặc bán cà phê nhân,
làm giảm áp lực lên thị trường.
Trên
thị trường thế giới, giá cà phê ngày 2/12/2024 đồng loạt tăng trên 2 sàn giao
dịch. Cụ thể: Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng
11/2024 tăng 666 USD/tấn so với tuần trước, ở mức 5.471 USD/tấn, giao tháng
1/2025 tăng 693 USD/tấn so với tuần trước, ở mức 5.439 USD/tấn.
Tương
tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2024 tăng 25,10
cent/lb so với tuần trước, ở mức 321,85 cent/lb, giao tháng 3/2025 tăng 23,70
cent/lb so với tuần trước, ở mức 319,35 cent/lb.
Theo
các phân tích của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, giá
cà phê trên thị trường thế giới chủ yếu được dẫn dắt bởi Robusta, khi các nước
sản xuất loại cà phê này, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn do hạn hán và thời
tiết khắc nghiệt dưới ảnh hưởng của hiện tượng El Niño. Tuy nhiên, hiện nay khi
mùa vụ cà phê của Việt Nam bắt đầu với cà phê Robusta vụ mới đã đưa ra thị
trường, thì Arabica lại là loại cà phê chiếm vai trò chủ đạo. Hiện tại, giá cà
phê Arabica đã đạt mức cao nhất trong 47 năm qua, trong khi giá cà phê Robusta
đang ở mức cao nhất trong 27 năm qua.
“Sự
kiện nổi bật nhất tuần cuối tháng 10/2024 chính là giá cà phê Arabica đạt mức
cao nhất kể từ năm 1977. Đây là cột mốc đáng chú ý, tương tự thời kỳ thị trường
tăng mạnh sau đợt sương giá khắc nghiệt ở Brazil năm 1975, gây tổn thất lớn về
sản lượng. Ngoài ra, sự chậm trễ trong xuất khẩu cà phê Robusta từ Việt
Nam, nơi có vụ mùa không thuận lợi, cũng góp phần đẩy giá cà phê lên cao. Nhu
cầu cà phê tăng do mùa đông ở Bắc bán cầu càng làm nổi bật xu hướng tăng giá
này”.
Theo
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, trong niên vụ 2023-2024 đã có sự thay đổi
rất lớn về thứ hạng của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Công ty TNHH Vĩnh
Hiệp (Gia Lai) vượt lên trên Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (TP.HCM) để chiếm
ngôi đầu.
Cụ
thể, kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hiệp tăng mạnh từ 244 triệu USD niên vụ 2022
– 2023 lên 520 triệu USD niên vụ 2023 – 2024. Trong khi đó, Tập đoàn Intimex có
mức tăng trưởng thấp hơn, từ 318 triệu USD lên 407 triệu USD.
Ngoài hai vị trí dẫn
đầu, những doanh nghiệp khác có giá trị xuất khẩu trên 200 triệu USD là Công ty
Louis Dreyfus Company Việt Nam, Tuấn Lộc Commodities, Công ty TNHH MTV Xuất
nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty Nestlé Việt Nam, Công ty CP Intimex Mỹ
Phước. Điều đáng nói, Tập đoàn Trung Nguyên đã “rớt hạng” rất mạnh, hiện chỉ
được xếp hạng thứ 16 trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất của
Việt Nam.
CÀ
PHÊ VỤ MỚI TIẾP TỤC GIẢM SẢN LƯỢNG DO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Cuối
tuần vừa qua, trong một hội thảo về cà phê tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Hoài Dương,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho biết niên
vụ cà phê 2023-2024 chứng kiến giá cà phê hạt đạt kỷ lục, giá tăng đột
biến, bình quân khoảng 100.000 đồng/kg, có thời điểm đạt mức 135.000 đồng/kg.
Đây là giá cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 82% so với niên vụ trước và gần
gấp 3 lần so với các năm trước đây.
Nhờ
được giá nên kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk trong niên vụ
2023-2024 đạt 915 triệu USD, tăng 168 triệu USD so với niên vụ trước, chiếm tỷ
trọng 17% so với cả nước. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk chủ yếu
vẫn là cà phê nhân (sản phẩm thô), tỷ trọng cà phê qua chế biến xuất khẩu hàng
năm tuy có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu
cà phê của tỉnh.
“Mưa
lớn do ảnh hưởng của những cơn bão vừa qua, khiến toàn tỉnh Đắk Lắk
có hơn 18.700ha cà phê bị thiệt hại. Trong đó, trên 1.000ha bị thiệt hại hoàn
toàn. Biến đổi khí hậu, hạn hán, sâu bệnh khiến lượng cà phê sụt giảm mạnh”.
Ông Nguyễn Hoài Dương,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk.
Theo
ông Dương, không chỉ ở Việt Nam mà giá cà phê trên thế giới thời gian vừa
qua cũng tăng cao, chủ yếu do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của biến
đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn
cầu, dẫn đến giảm nguồn cung.
Cà
phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk, diện tích 212.000ha, sản lượng
khoảng 354.000 tấn, chiếm khoảng 30% diện tích của cả nước và 33% diện tích của
Tây Nguyên.
“Việc
giá cà phê tăng đã làm cho đời sống của người sản xuất cà phê được tăng lên.
Người nông dân có của ăn của để, tái đầu tư cho cà phê tốt hơn và không chạy
theo những cây trồng khác. Hoặc nếu chạy theo những cây trồng khác thì vẫn giữ
cây cà phê”, ông Dương nói.
Dù
giá cà phê hạt đang tăng đột biến và duy trì ở mức cao, song Đắk Lắk – thủ phủ
cà phê của cả nước vẫn bộn bề nỗi lo. Ông Dương cho biết thời điểm này, Đắk Lắk
đang trong vụ thu hoạch cà phê. Vừa qua, mưa lớn do ảnh hưởng của những cơn
bão, khiến sản lượng cà phê thu hoạch năm nay sẽ tiếp tục giảm.
“Ngành
nông nghiệp khuyến cáo khi giá cà phê lên cao sẽ kích thích nông dân chạy theo
những lợi ích ngắn hạn, không đầu tư vào chất lượng mà chạy theo sản lượng. Đây
là yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản. Đồng
thời ảnh hưởng đến tâm lý, nghĩa là người ta nhận thấy rằng, không làm cà phê
chất lượng cao thì vẫn có giá tốt”, ông Dương chia sẻ.
Để
ngành hàng cà phê phát triển bền vững trong thời gian tới, quan điểm của tỉnh
Đắk Lắk là ổn định diện tích hiện có, rà soát lại diện tích không phù hợp để
chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn, không chạy theo số lượng mà quan tâm
đến chất lượng.
Mặt
khác, Đắk Lắk sẽ cố gắng quản lý tốt ngành hàng cà phê, làm tốt khâu xúc tiến
thương mại, xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trở thành
“thành phố cà phê của thế giới”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk
đang trình UBND tỉnh phê duyệt đề án cà phê bền vững giai đoạn mới, có những
chính sách phù hợp để hỗ trợ thích đáng cho chuỗi ngành hàng từ sản xuất, chế
biến đến thương mại bền vững.
Thảo Nguyên (VnEconomy)