Đưa Việt Nam thành điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu

24/10/2024 - 08:26 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Tại Hội nghị ngành Halal toàn quốc vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”.

Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ NN-PTNT đồng chủ trì tổ chức nhằm tạo chuyển biến thực chất và triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Điểm đến không thể thiếu trên bản đồ Halal toàn cầu

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sáng kiến của 3 Bộ tổ chức Hội nghị qua đó góp phần định hướng cho chiến lược phát triển ngành Halal Việt Nam, mở ra các cơ hội kinh doanh – đầu tư mới.

Thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của Hội nghị góp phần thúc đẩy kết nối kinh tế, văn hóa, con người giữa Việt Nam với các nước trên thế giới thông qua sản phẩm, dịch vụ Halal.

Nhấn mạnh tiềm năng của thị trường Halal toàn cầu, Thủ tướng khẳng định Việt Nam định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới.

Thủ tướng đánh giá Việt Nam có ba cơ sở quan trọng để phát triển ngành Halal. Thứ nhất, Việt Nam có tình hình chính trị, xã hội ổn định, tiềm lực và quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn mạnh, đứng thứ 34 về quy mô kinh tế, thuộc nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại hàng đầu và đang ở giai đoạn dân số vàng với 100 triệu người…

Thứ hai, Việt Nam có quan hệ đối ngoại và liên kết kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 32 nước, tham gia hơn 70 tổ chức khu vực, quốc tế quan trọng và có quan hệ hợp tác tốt đẹp với cộng đồng các quốc gia Hồi giáo trên thế giới.

Thứ ba, Việt Nam có các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal nhờ kinh nghiệm và đóng góp về bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về Halal, cũng như lợi thế trong phát triển du lịch, trong đó có du lịch Halal với đường bờ biển dài, hệ sinh thái đa dạng…

Thủ tướng cũng khẳng định ba thông điệp của Việt Nam trong phát triển ngành Halal. Một là, Việt Nam mong muốn đưa Halal thành “nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới” trong phát triển quan hệ với các nước.

Hai là, Việt Nam coi Halal là “cơ hội vàng” để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Ba là, Việt Nam chủ trương phát triển ngành Halal trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa con người, giá trị về chung sống hòa bình, thể hiện sự đóng góp, trách nhiệm của Việt Nam để cùng xây dựng thế giới hòa bình, đa dạng, hài hòa và cùng phát triển.

Để Việt Nam phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Halal, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện 5 thúc đẩy gồm thúc đẩy hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal; thúc đẩy các đối tác khu vực, quốc tế đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam; thúc đẩy quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam và mở cửa các thị trường; thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa, tăng cường hiểu biết giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

Hoàn thiện pháp lý về Halal

Phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh Việt Nam có nền tảng vững chắc về khoa học và công nghệ để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm Halal chất lượng cao, cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác quốc tế để đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng lực chứng nhận Halal của Việt Nam nhằm nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Tại Hội nghị, các đại biểu trong nước và quốc tế đánh giá cao các tiềm năng, thế mạnh và chiến lược của Việt Nam trong việc tích cực tham gia vào thị trường Halal toàn cầu.

Chủ tịch Cơ quan Halal Ấn Độ Mohamed Jinna đánh giá Việt Nam đang đứng trước “tương lai tươi sáng” khi tiếp cận một thị trường Halal toàn cầu “đang rộng mở”, trong đó chứng nhận Halal sẽ là “cánh cửa” để Việt Nam tiếp cận một thị trường trải dài trên nhiều ngành công nghiệp khác nhau như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch…

Tổng Thư ký Viện Tiêu chuẩn và Đo lường các quốc gia Hồi giáo (SMIIC) Ihsan Ovut đánh giáo cao sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam, tiềm năng của Việt Nam trong phát triển ngành du lịch Halal, thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm Halal.

Còn Chủ tịch Trung tâm Chứng nhận Halal Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Moteb Al-Mezani cho rằng chứng nhận sản phẩm nói chung, trong đó có chứng nhận Halal, là sự thể hiện cao nhất của niềm tin đối với chất lượng sản phẩm, chủ trương phát triển ngành Halal của Việt Nam phù hợp với lợi ích, định hướng phát triển quan hệ hợp tác của các nước vùng Vịnh.

Các đại biểu tin tưởng nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế sẽ đạt kết quả tích cực trong thời gian tới, tiếu tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, sự phát triển chung của ngành Halal thế giới.

Các đại biểu tham gia Hội nghị đều có chung nhận định, để thâm nhập, tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm biện pháp chính gồm hỗ trợ kết nối địa phương, doanh nghiệp với các đối tác, thị trường Halal toàn cầu trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược và mỹ phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý nhà nước về Halal, tối ưu hóa quy trình chứng nhận, thúc đẩy thừa nhận, công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia, cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới.

Hội nghị đã truyền tải được thông điệp về một Việt Nam sẵn sàng “cùng hợp tác và cùng phát triển”, kết hợp hài hòa giữa “nội lực” từ các tiềm năng, thế mạnh trong nước với “ngoại lực” đến từ việc phát huy hiệu quả hợp tác quốc tế để phục vụ phát triển ngành, hệ sinh thái Halal Việt Nam toàn diện và bền vững, từng bước khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ Halal toàn cầu.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến Giới thiệu Trung Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT), Bộ Tiêu chuẩn Halal Việt Nam, Lễ ra mắt “Góc Halal” trên Báo Thế giới và Việt Nam, và Lễ trao 5 văn kiện hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận GCC, Cơ quan Halal Hàn Quốc, Trung tâm Chứng nhận Halal châu Âu, Học viện Halal thuộc công ty TNHH GAE (Malaysia) và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh với các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam về tiêu chuẩn và Halal.

Thúy Nga (St)