DỰ BÁO TÌNH HÌNH NGÀNH THỨC ĂN CHĂN NUÔI VIỆT NAM NĂM 2023

02/02/2023 - 14:20 | Giá cả, thông tin thị trường

Năm 2022, ngành thức ăn chăn nuôi (TACN) của cả Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu nên ngành TACN, cũng như các doanh nghiệp ngành này tại Việt Nam chịu tác động rất lớn từ những biến động trên thị trường quốc tế như: Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; rủi ro từ chuỗi cung ứng; sức ép từ tỷ giá gia tăng; lạm phát tăng cao đột biến ở hầu hết các quốc gia; bất ổn chính trị trên thế giới,…

Thực trạng sản xuất TACN trong nước

Hiện nay, cả nước có khoảng 270 cơ sở sản xuất TACN công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế ước đạt 43,2 tấn. Trong đó, 90 nhà máy thuộc sở hữu của doanh nghiệp FDI ( chiếm 33,5% về sơ lượng; 51,3% về công suất thiết kế) và 179 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 66,5% về số lượng và 48,7% về công suất thiết kế).

Khoảng 60% cơ sở đã đầu tư công nghệ đạt trình độ tiên tiến và dây chuyền sản xuất tự động, 20% cơ sở đạt trình độ bán tự động và khoảng 20% cơ sở sản xuất thủ công với công suất thiết kế chỉ đạt dưới 30 nghìn tấn/năm. Có trên 80% số cơ sở có áp dụng ít nhất một hệ thống quản lý chất lượng như: ISO, HACCP, GMP hoặc tương đương, trong đó nhóm cơ sở sản xuất TACN có vốn nước ngoài đạt tỷ lệ 100%.

Ước tính sản lượng TACN công nghiệp năm 2022 đạt khoảng 20,0 triệu tấn (giảm 8,7% so với năm 2021), trong đó thức ăn chăn nuôi cho heo chiếm khoảng 65% tổng sản lượng, gia cầm chiếm khoảng 30%, còn lại là cho các đối tượng vật nuôi khác  chiếm khoảng 5%. Tổng nhu cầu thức ăn (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá...) của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi heo và gia cầm. Để đáp ứng nhu cầu này, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, trong khi sản xuất trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (chiếm khoảng 65%). Các sản phẩm của ngành trồng trọt có thể sử dụng làm TACN gồm: 42,8 triệu tấn thóc; 4,6 triệu tấn ngô hạt; 10,5 triệu tấn sắn tươi; 65,4 nghìn tấn đậu tương.

Dự báo tình hình năm 2023

Kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là do những ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine; áp lực giá lương thực, nhiên liệu rộng và dai dẳng. Suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc vẫn có thể tiếp diễn trong ngắn hạn, cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trong năm 2023, việc dứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 trong năm 2022 tác động kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường năm 2023.

Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới trong bối cảnh thực hiện Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương các nước, khối, khu vực trên thế giới nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA, hoạt động sản xuất và thị trường TACN mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới song song với việc đối mặt với sự gia tăng áp lực về thị trường toàn cầu. Phần lớn các chuyên gia đều dự báo thị trường nguyên liệu TĂCN trong năm 2023 sẽ không cải thiện quá nhiều so với hiện tại. Trong báo cáo và khảo sát công bố, Vietnam Report dự báo giá lúa mì sẽ tăng trong thời gian tới do ước tính sản lượng và nguồn cung lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/2023 giảm cùng với việc các kho dự trữ lúa mì cuối kỳ của Mỹ dự báo ở mức thấp nhất kể từ năm 2007/2008. Giá đậu tương được dự báo cũng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, do biên lợi nhuận nghiền đậu tương ở Trung Quốc đã ở mức âm trong 7 tháng qua, dẫn đến nhập khẩu thấp hơn. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc thấp hơn có thể ảnh hưởng đến giá đậu tương tương lai tại Chicago. Ngoài ra, nguồn cung khô đậu tương thắt chặt do tốc độ giao hàng chậm sẽ làm tăng giá lợn hơi tại Trung Quốc, qua đó thúc đẩy nhu cầu nuôi nhiều heo hơn làm tăng nhu cầu về TĂCN.

                                                                    Hạnh Nguyễn – Chi cục CNTY