Dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành Chăn nuôi năm 2023

02/02/2023 - 15:13 | Giá cả, thông tin thị trường

Thị trường tiêu thụ nội tỉnh Bà Rịa -–Vũng Tàu Theo định mức tiêu thụ thịt (heo, gà) của Viện Dinh dưỡng quốc gia, dự báo, đến năm 2025, bình quân đầu người sẽ tiêu thụ khoảng 25 kg thịt heo; 12,5 kg thịt gà và 120 quả trứng/năm (chưa kể các loại thịt khác như trâu, bò, dê... ). Kết quả điều tra, khảo sát các hoạt động liên quan đến ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho thấy một số thông số bình quân như sau: Tỷ lệ tiêu thụ thịt heo trong tổng lượng thịt (heo, gà) tiêu thụ hàng năm là khoảng 75% và đang có xu thế giảm để tăng dần lượng tiêu thụ thịt gà. Từ căn cứ trên, dự báo tỷ lệ tiêu thụ thịt heo và gà trên địa bàn tỉnh qua các năm như sau: năm 2020, tỷ lệ tiêu thụ các loại thịt heo - gà (trong tổng lượng thịt heo, gà) là 75% - 25%; năm 2025 là 72% - 28%; năm 2030 là 70% - 30%. Dự báo nhu cầu tiêu thụ năm 2023 của các sản phẩm của ngành chăn nuôi: sản lượng thịt heo khoảng 43.270 tấn; sản lượng thịt gia cầm khoảng 21.635 tấn; sản lượng trứng gia cầm khoảng 151 triệu quả.

Thị trường tiêu thụ ngoại tỉnh

- Thành phố Hồ Chí Minh: Dự báo đến năm 2030, dân số TP. Hồ Chí Minh sẽ là trên 10,0 triệu người; nhu cầu tiêu dùng thịt và thực phẩm chế biến trên địa bàn TP. HCM là 5,15 kg/người/tháng, tương ứng 1.900 tấn/ngày, bao gồm 16.500 heo, 2.800 con trâu và bò, 435.500 con gia cầm, 500 dê và cừu. Ước tính đến năm 2030, nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc gia cầm khoảng 350 – 400 tấn/ngày. Nguồn cung cấp sản phẩm gia cầm cho thị trường TP. Hồ Chí Minh chủ yếu từ các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

- Các tỉnh khác ở Đông Nam Bộ: Theo tính toán của các nhà hoạch định kinh tế chiến lược, tốc độ tăng tiêu thụ hàng năm của vùng này từ nay đến 2030 về thịt heo là 2,5%, thịt trâu bò 2,8%, thịt  gia cầm 3,1% và sữa bò 3,3%, trong khi đó tốc độ tăng thu nhập bình quân trên đầu người là 7,5%. Chính vì vậy nhu cầu sản phẩm chăn nuôi tăng khá mạnh; đến năm 2030 mức tiêu thụ thịt sẽ là 85 kg thịt hơi/người/năm, tương đương 60 kg thịt xẻ và 160 - 170 quả trứng/người/năm. Như vậy, tổng sản lượng thịt hơi tại thời điểm năm 2030 là: 1,45 triệu tấn thịt hơi (tương đương với 1,03 triệu tấn thịt xẻ; trong đó, thịt heo: 512.600 tấn, thịt gia cầm: 246.000 tấn và thịt trâu bò: 184.500 tấn). Đồng thời, nhu cầu trứng gia cầm sẽ là 1,26 – 1,88 và 2,82 tỷ quả/năm.

Dự báo thị trường xuất khẩu, đồng thời xem xét khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập kinh tế

Ngành chăn nuôi Việt Nam khi hội nhập CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyến Thái Bình Dương) và AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN), sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm, ngoại trừ nhóm động vật sống. Trong đó, sản lượng phân ngành thịt các động vật khác (heo, gia cầm,…) bị thiệt hại mạnh nhất cả về phần trăm và giá trị. Tương ứng với thu hẹp trong sản xuất ngành chăn nuôi, xuất khẩu các mặt hàng này cũng giảm tương ứng trong cả trường hợp CPTPP cũng như AEC. Đồng thời, sản lượng giảm cũng khiến cho cầu lao động trong các ngành chăn nuôi giảm rõ rệt, cả đối với lao động phổ thông và lao động có kỹ năng. Với năng suất thấp và sức cạnh tranh yếu như hiện nay của ngành chăn nuôi, người chăn nuôi gia cầm (ở mức độ thấp hơn người chăn nuôi heo thịt) sẽ bị thiệt nhất về sản lượng và phúc lợi, mặc dù thói quen tiêu dùng thịt nóng hiện nay của người Việt có thể giúp trì hoãn tác động này. Riêng ngành sữa và bò thịt sẽ có cơ hội tồn tại tốt hơn. Vì vậy, các nỗ lực tái cấu trúc ngành chăn nuôi cần được đẩy nhanh hơn nữa để nâng cao hiệu suất cũng như sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Tuy nhiên, điều may mắn là ngành chăn nuôi của Việt Nam còn thời gian để củng cố; trước mắt, ngành chăn nuôi nước ta đang có một thời gian quá độ tuy không dài (2 – 3 năm) trong lộ trình cắt giảm thuế quan theo các cam kết song phương, đa phương của từng Hiệp định thương mại. Trong đó, quá trình các nước phê chuẩn TPP cũng cần 1 – 2 năm. TPP là hiệp định cấp cao nhất với cam kết xóa bỏ thuế quan về 0% nhưng có lộ trình với Việt Nam (một số mặt hàng có liên quan đến chăn nuôi sẽ bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực gồm: động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa; nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 10 – 11 gồm: thịt các loại, trứng); như vậy, sớm nhất thì đến năm 2028, TPP mới tác động trực tiếp đến ngành chăn nuôi, là mốc rất lâu chứ không phải ngay khi gia nhập TPP. Ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm kể từ 2015 để chuẩn bị trước khi sức ép của cuộc chơi thực sự tác động.

Đây là cơ hội vàng về thời gian để đẩy nhanh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi và hạ giá thành các sản phẩm thịt, trứng, sữa..., kể cả các sản phẩm có lợi thế như giống đặc sản, giống bản địa,… cũng phải kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm và hạ giá thành.

          Điều kiện xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Theo Cục Thú y, đơn vị được Bộ NN-PTNT giao quản lý, tư vấn, giám sát lĩnh vực XNK sản phẩm động vật và nguồn gốc từ động vật, tính đến nay, Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác hiệp định thú y chính thức với 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Hàn Quốc (2008); Lào (2009); Đức (2009); Belarus (2010); Myanmar (2011); New Zealand (2015); Trung Quốc (2013); Thái Lan (2014); Ấn Độ (2014); Mông Cổ (2017).

Theo thông lệ quốc tế, các nước muốn xuất khẩu (XK) sản phẩm động vật và nguồn gốc từ động vật sang một quốc gia khác, Cơ quan Thú y có thẩm quyền của nước XK sẽ gửi thư yêu cầu đến Cơ quan Thú y có thẩm quyền của nước nhập khẩu (NK), nước NK sẽ xem xét, bao gồm các bước sau:

Bước 1: Căn cứ vào tình hình dịch bệnh động vật của nước XK trên hệ thống dữ liệu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Bước 2: Nếu nước XK là nước an toàn hoặc có vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh được OIE công nhận, nước NK sẽ yêu cầu nước XK cung cấp các thông tin về hệ thống thú y, hệ thống phòng thí nghiệm, hệ thống giám sát dịch bệnh, giám sát an toàn thực phẩm, kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật, kiểm soát việc XNK động vật và sản phẩm động vật… để thực hiện phân tích nguy cơ NK.

Bước 3: Nếu nước NK chấp thuận các thông tin do nước XK cung cấp và hoàn thành việc phân tích nguy cơ sẽ thông báo cho nước XK và tổ chức thanh tra thực tế tại nước XK. Tùy từng nước có các yêu cầu thanh tra khác nhau, có nước sẽ thanh tra hệ thống và một vài doanh nghiệp (DN) đại diện, có nước sẽ yêu cầu thanh tra từng DN.

Sau khi hoàn thành 3 bước trên, cuối cùng hai nước thống nhất mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch XK. Do đó, các DN đã và đang có ý định XK sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cần phải xác định rõ, việc ký kết Hiệp định thú y và thống nhất điều kiện NK là hai việc hoàn toàn khác nhau. Không nhất thiết hai nước phải ký Hiệp định thú y mới được XK sản phẩm chăn nuôi và ngược lại, không có nghĩa hai nước đã ký kết hiệp định thú y rồi là đủ điều kiện XK sản phẩm động vật và nguồn gốc động vật.

                                                                      Hạnh Nguyễn – Chi cục CNTY