Đến năm 2030, hình thành 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
11/12/2023 - 14:51 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
Ðề án nhằm mục tiêu hình thành 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và
phát thải thấp, gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng
các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, sự phát triển bền vững của
ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, thích
ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các
cam kết quốc tế của Việt Nam.
Ðề án được triển khai tại
12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2024-2025) tập
trung củng cố diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt
Nam (VnSAT) 180 nghìn héc-ta; giai đoạn 2 (2026-2030), mở rộng thêm 820 nghìn
héc-ta, tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng
chuỗi giá trị, duy trì sản xuất bền vững,...
Vùng trồng được quy hoạch
là đất chuyên trồng lúa, phù hợp với các quy hoạch liên quan, diện tích liền mảnh
tối thiểu 50 héc-ta; có hệ thống thủy lợi được đầu tư cơ bản; hạ tầng điện, viễn
thông và hậu cần hỗ trợ tốt cho sản xuất, chế biến kinh doanh lúa gạo. Ngoài
ra, phải bảo đảm các tiêu chí canh tác bền vững và tăng trưởng xanh, tổ chức sản
xuất, doanh nghiệp tham gia liên kết,...
Chính phủ giao Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hướng dẫn tổ chức triển khai đề án; đo
đạc, báo cáo, thẩm định giảm phát thải khí nhà kính phục vụ thực hiện đề án,
phù hợp với quy định quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam; xây dựng, đề xuất
thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho vùng
chuyên canh. Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung ương, Bộ Tài chính chủ
trì, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương
để thực hiện các chế độ, chính sách,...
VTH