Đến năm 2025: 75% sản phẩm thịt heo, gà và trứng vịt được sản xuất theo chuỗi liên kết và đảm bảo an toàn thực phẩm.
02/08/2022 - 13:58 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Đó là một trong những mục tiêu
chính mà Dự án chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn
nuôi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Tổng kinh phí thực hiện của dự án gần 125 tỷ đồng,
trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ triển khai thực hiện chỉ chiếm 9,09 % và vốn đối
ứng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại tham gia chiếm 90,91 % tổng
kinh phí dự án.
Theo Quyết định phê duyệt đề án, Ủy
ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ
trì phối hợp với các sở, ban ngành, các địa phương và các chủ thể tham gia thực
hiện đề án này.
5 nội dung được Ủy ban nhân dân tỉnh
đề ra đó là tổ chức thông tin tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông
tin đại chúng để vận động các chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại,
các cơ sở giết mổ…) có thể tham gia chuỗi liên kết. Tổ chức thiết kế 3 bộ sổ
ghi chép và in ấn 300 quy trình chăn nuôi heo, gà, vịt cấp phát cho các cơ sở
chăn nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025. Tiến hành xây dựng hỗ trợ 3 mô hình liên
kết điểm, gồm chuỗi liên kết chăn nuôi heo tại huyện Xuyên Mộc với quy mô 38
nghìn con, chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm tại huyện Xuyên Mộc với quy mô 500
nghìn con gia cầm thịt và chuỗi liên kết trứng gia cầm tại Xuyên Mộc - Long Điền
- Vũng Tàu với quy mô 200 nghìn con gia cầm trứng. Từ 3 chuỗi liên kết điểm này
sẽ tiến hành hỗ trợ xây dựng và hình thành thêm 16 chuỗi để đến năm 2025, trên
địa bàn tỉnh hình thành và đi vào hoạt động 19 chuỗi liên kết (8 chuỗi liên kết
trong chăn nuôi heo, 8 chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia cầm thịt và 3 chuỗi
liên kết trong chăn nuôi gia cầm trứng), đồng thời hỗ trợ hình thành 1 cửa
hàng/địa phương cấp huyện để cung cấp các sản phẩm chăn nuôi được sản xuất từ
các chuỗi này. Ngoài ra, còn tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng, tổ
chức hoạt động theo chuỗi liên kết tại các địa phương trên cả nước.
Từ 5 nội dung này, Ủy ban nhân
dân tỉnh đề ra 6 nhóm giải pháp thực hiện bao gồm: nhóm giải pháp về tuyên truyền
vận động đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi; nhóm
giải pháp về thực hiện quy hoạch; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải
pháp về kỹ thuật; nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất và nâng cấp chuỗi liên kết.
Thiết nghĩ, đề án sau khi được ban hành sẽ giúp gia tăng giá trị cạnh tranh cho các sản phẩm của ngành chăn nuôi, đặc biệt trên các đối tượng vật nuôi chủ lực của tỉnh, phát huy tối đa tiềm lực của các địa phương, hướng tới đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn, có chất lượng và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi./.
Thịnh Đức Minh
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu