Đề nghị hợp tác lĩnh vực chăn nuôi thú y trên địa bàn tỉnh với các đối tác Nga

09/02/2023 - 09:13 | Xúc tiến thương mại

Tình hình hợp tác thuộc lĩnh vực chăn nuôi với các đối tác Nga trong thời gian qua

         Theo như kế hoạch, Đoàn Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga thăm và làm việc tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong tháng 02/2023. Với mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với nước CHXHCN Việt Nam và đặc biệt là với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trên các lĩnh vực thương mại, kinh tế, khoa học, giáo dục và du lịch, Đoàn đại biểu Hội đồng Liên bang Nga sẽ đến thăm Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 2 năm 2023.

          Tính đến nay, về hợp tác đầu tư giữa Bà Rịa – Vũng Tàu và Liên Bang Nga đang tập trung vào lĩnh vực dịch vụ dầu khí, du lịch, hàng hải và xây dựng, lĩnh vực chăn nuôi chưa thực hiện. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong thời gian quan về lĩnh vực Nông nghiệp rất có tiềm năng phát triển. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo và Nhập khẩu từ Nga chủ yếu thủy sản, lúa mỳ, phân bón, gỗ, gần đây là các sản phẩm thịt, sữa. Phía Nga cấp phép cho 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga. Trong đó, về lĩnh vực chăn nuôi Việt Nam cũng đã đề nghị Nga mở cửa cho thị trường các sản phẩm chăn nuôi nhưng phía Nga mới đồng ý 2 sản phẩm là thịt gà/gia cầm chế biến và sữa. Đối với mặt hàng thịt gà chế biến từ Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào Nga từ năm 2020. Hiện nay, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam – chi nhánh Nhà máy chế biến thịt gà ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội – sẽ là doanh nghiệp đầu tiên được cơ quan này cấp phép xuất khẩu những sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nga.

          Tiềm năng hợp tác với Nga trong thời gian tới về lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

           Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng đàn heo ước đạt 385.000 con; tổng đàn gia cầm khoảng 6,5 triệu con; tổng đàn trâu bò 55.000 con; tổng đàn dê, cừu 95.000 con. Với tổng đàn này thì sản lượng thịt hơi sản xuất hàng năm của tỉnh các loại ước đạt thịt heo hơi là 69.000 tấn/năm; thịt gia cầm hơi là 27.000 tấn/năm; thịt trâu, bò khoảng 6.500 tấn/năm; thịt dê, cừu khoảng 3.000 tấn/năm.

 Về lĩnh vực chế biến sản phẩm chăn nuôi: Trên địa bàn tỉnh hiện có 37 cơ sở giết mổ (CSGM) được phép hoạt động (theo Quyết định số 258/QĐ-UBND-SNN ngày 25/01/2010 của UBND tỉnh), với công suất giết mổ từ 750 con heo/ngày, 47 - 50 con trâu bò/ngày và khoảng 18.600 con gia cầm/ngày. Ngoài ra, còn tồn tại khá nhiều điểm giết mổ có giấy phép tạm thời, thậm chí không có giấy phép.  Căn cứ Quyết định 3798/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 tiến hành sắp xếp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Cho nên nhu cầu hiện nay của tỉnh về lĩnh vực giết mổ là cần tìm kiếm và hợp tác với các doanh nghiệp bổ sung dự án đầu tư cơ sở giết mổ với quy trình giết mổ công nghiệp, hiện đại, tham gia chuỗi liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - sơ chế, chế biến – phân phối, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và hướng tới xuất khẩu; Tổ chức hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

           Nội dung đề nghị hợp tác về lĩnh vực giết mổ về Quy trình giết mổ gia súc, gia cầm tự động hóa; Quy trình chế biến các sản phẩm thịt sau giết mổ; Quy trình bảo quản thịt gia súc, gia cầm trong thời gian dài (trong trường hợp không tiêu thụ hết).

                                                                          Hạnh Nguyễn – Chi cục CNTY