Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Ả-rập Xê-út

24/02/2022 - 15:05 | Giá cả, thông tin thị trường

Nông sản Việt Nam hiện có nhiều sản phẩm đã có mặt tại Vương quốc Ả-rập Xê-út, trong đó có các mặt hàng tiêu biểu như: gạo, chè, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản…

   Xu thế hiện nay, Ả-rập Xê-út đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Những sản phẩm hữu cơ (organic) thân thiện với môi trường bắt đầu được người tiêu dùng chú ý, đánh giá cao và đang có nhu cầu gia tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Trong thời gian qua, bằng việc nghiên cứu thị trường, kết hợp với việc trưng bày sản phẩm xuất khẩu tại Đại sứ quán và các tỉnh thành phố; nắm bắt thông tin khách hàng phản hồi về mẫu mã và nhu cầu thực tế của khách hàng, Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út nhận thấy thị trường này có cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, thúc đẩy xuất khẩu.

Ví dụ như đối với mặt hàng gạo, nhu cầu nhập khẩu gạo hàng năm của Ả-rập Xê-út khoảng 1,7 triệu tấn nhưng hiện nay Việt Nam mỗi năm mới chỉ xuất khẩu 32.000 tấn vào thị trường này nên tiềm năng thị trường còn rất lớn. Một số nhà nhập khẩu Ả-rập Xê-út phải mua hàng qua đối tác Thái Lan, chi phí tăng lên nên họ đang tìm kiếm thêm các nhà xuất khẩu từ Việt Nam.

25 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chờ cấp phép xuất khẩu vào Ả-rập Xê-út

Người tiêu dùng Ả-rập Xê-út rất thích hải sản tươi (như: tôm, cá, mực) và cá ngừ đóng hộp, được nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng với Việt Nam, hiện chỉ có 12 doanh nghiệp thủy sản được cấp phép xuất khẩu sang thị trường này. Thương vụ Đại sứ quán đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực thúc đẩy Tổng cục Dược phẩm và Thực phẩm Vương quốc Ả-rập Xê-út cấp phép tiếp cho 25 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam.  

Đối với những mặt hàng thủy sản của các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Dược phẩm và Thực phẩm Vương quốc Ả-rập Xê-út vẫn giữ quan điểm: Khi dịch Covid-19 được cơ bản kiểm soát, sẽ cử đoàn kỹ thuật sang đánh giá lại, sau đó mới tiến hành cấp phép, do vậy, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tiếp tục chờ đợi. Tổng cục Dược phẩm và Thực phẩm Vương quốc Ả-rập Xê-út cho biết, hiện Tổng cục đang thực hiện cấp phép cho các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu theo hình thức trực tuyến.

Điều đáng lưu ý là: Với thị trường Ả-rập Xê-út, khách hàng cần tận mắt thấy tay sờ sản phẩm, nên việc gửi hàng mẫu là rất quan trọng và cần thiết, doanh nghiệp nên có những mẫu nhỏ gọn gửi cho khách hàng; Đồng thời, cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm bên cạnh việc bán hàng, đóng bao bì, in nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Kim Khánh