Đánh giá và định hướng phát triển ngành nuôi biển
06/09/2024 - 15:38 | Xúc tiến thương mại
Buổi họp có sự tham gia của các cơ quan liên quan bao gồm Cục Thủy
sản, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Trường Cao đẳng Thủy sản, các Viện Nghiên cứu
Nuôi trồng Thủy sản I, II, III, và Viện Kinh tế Quy hoạch Thủy sản. Nội dung
báo cáo tập trung vào các khía cạnh chính như tiềm năng nuôi biển, hiện trạng
phát triển, các quy định pháp lý, cùng những bất cập và đề xuất kiến nghị nhằm
thúc đẩy ngành nuôi biển phát triển bền vững.
Báo cáo của Cục Thủy sản nêu rõ, Việt Nam có tiềm năng lớn trong
lĩnh vực nuôi biển với 2.100 loài hải sản đa dạng bao gồm các loài cá biển,
nhuyễn thể và rong biển. Các loài như cá chim vây vàng, cá chẽm, cá song, bào
ngư, ngao, hàu, và cá giò là những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Mục
tiêu phát triển của ngành đến năm 2025 là đạt diện tích nuôi biển 280.000 ha,
thể tích 10 triệu m³, sản lượng 850.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu từ 0,8 đến 1
tỷ USD. Đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là sản lượng đạt 1,45 triệu tấn, chiếm
25% tổng sản lượng thủy sản và kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD.
Hiện trạng nuôi biển và những thành tựu đạt được
Trong giai đoạn 2010-2023, nuôi biển Việt Nam đã đạt được những
bước tiến đáng kể. Sản lượng nuôi biển tăng đều qua các năm, từ 569.670 tấn năm
2023 dự kiến sẽ tăng lên 1,45 triệu tấn vào năm 2030. Giá trị xuất khẩu nuôi
biển cũng có xu hướng tăng, từ 552 triệu USD năm 2023 lên từ 1,8 đến 2,0 tỷ USD
vào năm 2030.
Tính đến tháng 5/2024 ngành đã xây dựng được 2.060 cơ sở sản xuất
và ương dưỡng giống nuôi biển. Năm 2023, các cơ sở này đã sản xuất được 135 tỷ
con giống, bao gồm 134 tỷ con nhuyễn thể, 258 triệu con cá biển và 39 triệu con
cua biển. Cùng với đó, đã có 23 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp nuôi biển với
213 mã số thức ăn được cấp mã số và đăng ký trên hệ thống cơ sở dữ liệu của
Tổng cục Thủy sản. Sản lượng thức ăn nuôi biển năm 2023 đạt 35.000 tấn, mặc dù
công suất thiết kế là 810.000 tấn/năm.
Các kết quả nghiên cứu cũng đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt
trong việc hoàn thiện công nghệ sản xuất giống các loài cá biển như cá song,
chim vây vàng, chẽm, hồng mỹ, giò, và sủ đất. Ngoài ra, nghiên cứu về thức ăn
công nghiệp cho các loài cá và tôm cũng đang tiến triển, giúp giảm sự phụ thuộc
vào nguồn thức ăn từ thiên nhiên và tăng cường hiệu quả nuôi trồng.
Các quy định pháp lý và những bất cập cần khắc phục
Bên cạnh những thành tựu, báo cáo cũng chỉ ra nhiều bất cập trong
các quy định pháp lý liên quan đến nuôi biển. Quy hoạch tổng thể khai thác sử
dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chưa được ban hành, dẫn đến diện tích cho nuôi
biển bị thu hẹp. Quy hoạch tại một số địa phương chưa hoặc thiếu không gian
biển dành cho nuôi trồng thủy sản. Thủ tục cấp phép và giao khu vực biển còn
phức tạp, với nhiều bước trùng lặp và hồ sơ rườm rà. Mức thu tiền sử dụng khu
vực biển cũng được cho là quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và hợp tác
xã.
Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng gặp nhiều vướng mắc khi
không phân biệt rõ quy mô và đối tượng nuôi, yêu cầu thực hiện báo cáo cho từng
cá thể của hợp tác xã. Bên cạnh đó, chưa có quy định rõ ràng về các đối tượng
nuôi có lợi cho môi trường và các dự án nuôi biển kết hợp du lịch, năng lượng
tái tạo cũng chưa được quản lý chặt chẽ.
Trước
những bất cập này, các cơ quan và đơn vị liên quan đã đưa ra nhiều đề xuất và kiến nghị cụ thể. Đại diện từ Hiệp hội
Nuôi biển Việt Nam nhấn mạnh rằng để phát triển bền vững, cần tập trung vào
việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất giống, chế biến đến tiêu thụ.
Việc cải thiện công nghệ sản xuất giống và nghiên cứu các mô hình nuôi biển
thông minh, ít tác động đến môi trường cũng được đề xuất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được đề nghị trình phê duyệt quy hoạch
tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, đồng thời sớm công bố
các ranh giới ngoài vùng biển 3 và 6 hải lý tại các đảo lớn của Việt Nam. Bộ
này cũng cần giảm thành phần hồ sơ và đơn vị xin ý kiến trong thủ tục giao khu
vực biển, đồng thời xem xét giảm khung giá tiền sử dụng khu vực biển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu hướng dẫn thủ tục “chấp thuận
chủ trương đầu tư” đối với các hoạt động nuôi biển, bổ sung hoạt động nuôi biển
vào danh mục dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, và xây dựng cơ chế quản
lý các dự án nuôi biển sâu kết hợp du lịch, năng lượng tái tạo. Bộ Khoa học và
Công nghệ cũng cần phối hợp với Bộ NN&PTNT để xây dựng các quy chuẩn kỹ
thuật, tiêu chuẩn phương tiện và điều kiện an toàn cho nuôi biển.
Các tỉnh ven biển cần bổ sung và tích hợp không gian nuôi biển vào
quy hoạch của tỉnh, triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định
1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021, và thực hiện cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển
theo quy định. Bộ Tài chính cũng được đề nghị điều chỉnh giá cho thuê mặt nước
biển và tham mưu chính sách bảo hiểm, tín dụng đặc thù cho nuôi biển.
Buổi báo cáo đã cung cấp cái nhìn toàn diện về tình hình nuôi biển
ở Việt Nam, từ tiềm năng phát triển, những thành tựu đạt được, cho đến những
thách thức và giải pháp cụ thể. Với sự chỉ đạo sát sao từ Bộ trưởng Lê Minh
Hoan và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, ngành nuôi biển Việt
Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào
nền kinh tế quốc gia và nâng cao đời sống của người dân ven biển. Tuy nhiên, để
đạt được những mục tiêu đề ra, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế chính sách,
sự cải tiến trong công nghệ và sự đồng lòng từ các bên liên quan.
Thảo
Nguyên