Đánh giá công tác phát triển sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giai đoạn 2017-2021; Giải pháp cho những năm tiếp theo

07/01/2022 - 10:53 | An toàn thực phẩm

Phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu nhằm tạo bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong quá trình hội nhập quốc tế và là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Qua 04 năm triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ban hành ngày 28/7/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VI về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, ngành chăn nuôi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể kết qủa đạt được như sau:

Tính đến cuối năm 2021 tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 32,80% của giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (khoảng 3.389 tỷ đồng). Các công nghệ sử dụng gồm: Trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại,...

Đã phát triển những vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như:

Thị xã Phú Mỹ: hiện có 07 trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao, quy mô tổng đàn trên 21.000 con và 23 trang trại chăn nuôi gà, tổng đàn trên 930.000 con. Công nghệ ứng dụng: chuồng lạnh, đệm lót sinh học và cung cấp thức ăn, nước uống qua hệ thống máng tự động.

Huyện Xuyên Mộc: hiện có 19 trang trại chăn nuôi heo với 139.840 con/100.000 con kế hoạch giao, đạt 139 % và 19 trang trại chăn nuôi gà với 379.000 con/1.000.000 con kế hoạch giao, đạt 37,9%. Ứng dụng Công nghệ cao như: chuồng lạnh, máng ăn tự động, bán tự động.

Huyện Châu Đức: đã đầu tư hệ thống đường giao thông và điện để hình thành các khu chăn nuôi tập trung, gồm: Khu chăn nuôi heo 300 ha (xã Suối Rao 200 ha, xã Đá Bạc 50 ha, xã Bình Giã 50 ha), khu chăn nuôi bò 100 ha tại xã Quảng Thành. Về chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao: 16 trang trại sử dụng hệ thống chuồng kín (08 trang trại heo, quy mô 23.500 con, 08 trang trại gà, quy mô 100.000 con), 02 trang trại chăn nuôi heo sản xuất theo quy trình VietGAP, quy mô 6.000 con.

Huyện Đất Đỏ: Đã phê duyệt Quy hoạch vùng ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, diện tích 253 ha, trong đó có chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.


Quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự lan tỏa, tạo cú hích cho phát triển các mô hình trên quy mô toàn tỉnh;  góp phần thu hút đầu tư và thay đổi nhận thức của cá nhân, tổ chức và cộng đồng dân cư về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn gặp phải những khó khăn và hạn chế lớn đó là:

Một là, khó khăn về vốn. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nguồn vốn lớn để đầu tư, phát triển. Thực tế cho thấy để phát triển trang trại chăn nuôi trung bình theo mô hình công nghệ cao chi phí gấp 4-5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu hụt vốn đầu tư đang là rào cản lớn nhất trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hai là, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Nguồn nhân lực là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, song hiện nay ở tỉnh ta đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Phần lớn người nông dân không đủ năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến, làm hạn chế việc tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất; thiếu kiến thức hội nhập quốc tế, liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, kinh doanh, thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin...

Ba là, đất đai manh mún, nhỏ lẻ. Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cần phải có đất đai quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông. Ruộng đất ở tỉnh ta hiện nay nhỏ lẻ, manh mún là lực cản lớn cho việc ứng dụng công nghệ cao, nhất là việc công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bốn là, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo ra khối lượng nông sản lớn, đòi hỏi thị trường tiêu thụ phải được mở rộng. Nhưng hiện nay, tuy tỉnh đã có nhiều giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng nhìn chung thị trường chưa đa dạng, hạn hẹp, không ổn định.

Mục tiêu giai đoạn tiếp theo của chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là Phấn đấu tăng tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao từ 29,9% hiện nay lên 34,5%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là 35%, tăng 02% so năm 2021.

Để đạt được mục tiêu đó cần có những giải pháp chủ yếu như sau:

Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tập trung, nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững, tôi xin đưa ra một số giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, giải pháp về truyền thông và đào tạo nguồn nhân lực. Cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến các tổ chức và cá nhân, nhất là người nông dân nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng cũng như khuyến khích tham gia vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đẩy mạnh đào tạo nghề nông cho nông dân. Thông qua các khóa đào tạo này cung cấp cho nông dân kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất chăn nuôi hiện đại, giúp người nông dân thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Thứ hai, giải pháp về đất đai và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất nông nghiệp cho năng suất, chất lượng cao, nhất là đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực đã được xác định trong báo cáo chính trị. Tiếp tục đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa ở các địa phương hình thành nên các cánh đồng lớn. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi dồn điền đổi thửa; hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân; khuyến khích nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp; phát triển ngành nghề ở nông thôn, chuyển đổi nông dân sang lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, cần quy hoạch phát triển vùng sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tập trung, tạo năng suất cao, giá trị lớn mang tính ổn định. Đồng thời từng bước mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đáp ứng mọi nhu cầu.

Thứ ba, giải pháp về thị trường tiêu thụ. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông để mở rộng thị trường tiêu thụ (cả trong tỉnh và ngoài tỉnh), đi đôi với xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hóa. Thực hiện liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Thứ tư, giải pháp về cơ chế, chính sách. Tỉnh cần có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tổ chức khoa học - công nghệ đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nói riêng, các ngân hàng thương mại phải nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Quan tâm bố trí tăng thêm nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện các chương trình, đề án, dự án của ngành nông nghiệp, nhất là các nội dung liên quan đến sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ; liên kết trong sản xuất; phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Hạnh Nguyễn-Chi cục Chăn nuôi và Thú y