Cưỡng chế xử phạt hành chính các hành vi khai thác IUU
15/01/2025 - 14:40 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương ven biển về việc rút kinh nghiệm về công tác thi hành
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa
phương.
Thực
hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 403/TB- VPCP ngày
31/8/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính tại Hội nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo
cáo và không theo quy định (IUU), qua thực tiễn kiểm tra công tác thi hành pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản (tập trung các vấn đề
về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến IUU) tại một số tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương ven biển, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn kiểm tra liên
ngành của Bộ Tư pháp đã phát hiện một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế
trong công tác xử lý vi phạm hành chính tại địa phương.
Để
đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, hạn chế tối đa hành vi vi phạm hành chính
về khai thác hải sản bất hợp pháp, góp phần cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo
"thẻ vàng" của EC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônđề nghị UBND
các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo, quán triệt các cơ
quan, ban, ngành ở địa phương thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực
thuỷ sản, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến IUU.
Đối
với trường hợp vụ việc xử phạt vi phạm hành chính có lý do không thể áp dụng
hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả thì phải ghi rõ căn cứ,
lý do không áp dụng trong quyết định xử phạt theo nội dung ghi chú số 12 tại
mẫu Quyết định số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày
23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối
với trường hợp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chưa được thi
hành, cơ quan, người có thẩm quyền chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết
định xử phạt theo quy định: Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt phải
thực hiện các quy trình xác minh thông tin, tài sản... theo đúng quy định pháp
luật và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tuy
nhiên, để bảo đảm thực thi nghiêm minh quy định pháp luật (đặc biệt trong bối
cảnh toàn hệ thống chính trị tập trung trong việc tháo gỡ "thẻ vàng"
của EC), UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực
hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm
hành chính tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy
định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các quy
định pháp luật khác có liên quan.
Đối
với những vụ việc thuộc trường hợp giải trình, nếu người vi phạm không có yêu
cầu giải trình đề nghị ghi rõ ý kiến trong Biên bản vi phạm hành chính về việc
cá nhân, tổ chức không có yêu cầu thực hiện quyền giải trình theo quy định của
khoản 1 Điều 17 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP. Trường hợp đã ghi thời hạn giải
trình là 2 ngày làm việc/5 ngày làm việc thì cần ghi nhận đầy đủ 2 quyền giải
trình của đối tượng vi phạm (theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành
chính, trong thời hạn 2 ngày làm việc, đối tượng vi phạm có quyền gửi văn bản
yêu cầu được giải trình trực tiếp hoặc trong thời hạn 5 ngày làm việc đối tượng
vi phạm có quyền gửi văn bản giải trình).
Trường
hợp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là
tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cần lưu ý thời hạn tước quyền
được tính từ ngày cá nhân, tổ chức nhận được quyết định xử phạt. Việc xác định
thời gian tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo hướng trừ đi
thời gian tạm giữ là không bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về xử lý
vi phạm hành chính.
Trường
hợp Biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan thì phải ghi rõ lý
do theo hướng dẫn tại ghi chú số 3 mẫu biên bản vi phạm hành chính ban hành kèm
theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Trường
hợp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ thì
trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần thể hiện chính xác tình tiết
theo quy định của Luật, trường hợp cần cụ thể hơn gắn với vụ việc cụ thể thì
cần ghi chính xác sau đó diễn giải.
Trường
hợp đối tượng có hành vi vi phạm "Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa
thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá
có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét" thì cần xác định rõ một
trong hai hành vi trong Biên bản vi phạm hành chính và Quyết định xử phạt vi
phạm hành chính (không duy trì hoạt động hay vô hiệu hoá thiết bị giám sát hành
trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất
từ 15 mét đến dưới 24 mét) để bảo đảm rõ ràng, chi tiết.
Một
số nội dung cần lưu ý khác trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính: Cần sử
dụng đúng biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP; biện pháp
khắc phục hậu quả phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tại từng trang. Việc
giao nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bảo đảm thực hiện theo
đúng quy định của Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức, cá nhân ở
địa phương rút kinh nghiệm chung và nghiêm túc thực hiện.
Thúy Nga