CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt Nam

15/07/2019 - 07:18 | Xúc tiến thương mại

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), gồm 11 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP là một thị trường lớn với tổng dân số khoảng 500 triệu người, tổng giá trị GDP năm 2018 là 11.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP và 14% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Ngày 14/1/2019, CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam - thành viên thứ 7 của hiệp định. CPTPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực khoảng 78 - 95% số dòng thuế và cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước.

CPTPP là một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, CPTPP được dự báo sẽ có tác động toàn diện đến các hoạt động kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng và được dự báo chịu tác động lớn cả tích cực và tiêu cực. Theo đó, về cơ bản CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt Nam, nhất là các thị trường mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương là Canada, Mexico, Peru, Úc nhờ những ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động … cũng sẽ là động lực, sức ép để ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư (cả vốn đầu tư trực tiếp và tư nhân trong nước) cho nông nghiệp. 


Nhiều hội nghị, Hội thảo đã được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về hiệp định CPTPP cho

                                             các doanh nghiệp Việt Nam


Hiện nay, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng sẽ được gián tiếp hưởng lợi khi Mỹ đã nâng mức thuế đối với 250 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc (có thể còn áp thuế tiếp đối với trên 300 tỷ USD còn lại), trong đó có các mặt hàng thủy sản, nông sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng khác….

Để các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam có thể xuất khẩu được sang các thị trường lớn như EU, các nước trong khối CPTPP; Nông dân Việt Nam cần phải thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẽ, hộ gia đình sang sản xuất chuyên canh, ứng dụng các tiêu chuẩn, khoa học công nghệ, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, sản xuất theo nhu cầu của thị trường, đơn đặt hàng của doanh nghiệp

CBTMNS