Công nhận quy trình chăn nuôi an toàn sinh học phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi cho trang trại quy mô vừa, nhỏ và chăn nuôi nông hộ.

12/11/2021 - 09:43 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Ngày 11 tháng 11 năm 2021, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã ban hành Quyết định số 205/QĐ-CN-GVN về việc Công nhận quy trình chăn nuôi an toàn sinh học phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi cho trang trại quy mô vừa, nhỏ và chăn nuôi nông hộ

Quy trình là sản phẩm của đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu các biện pháp an toàn sinh học đối với chăn nuôi lợn ở quy mô, cấp độ và phương thức khác nhau để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi”. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký; Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham khảo, khuyến cáo và hướng dẫn tổ chức áp dụng các quy trình được ban hành theo quyết định này.

            Đây là quy trình chăn nuôi an toàn sinh học áp dụng cho loại hình chăn nuôi trang trại quy mô vừa, nhỏ và chăn nuôi nông hộ. Số lượng đầu con/đơn vị vật nuôi theo từng quy mô chăn nuôi được trình bày theo Bảng dưới đây:

TT

Loại vật nuôi

Khối lượng hơi trung bình (kg)

Số đầu con/đơn vị vật nuôi theo quy mô chăn nuôi

Chăn nuôi nông hộ (dưới 10 đơn vị vật nuôi)

Quy mô nhỏ (từ 10 đến 30 đơn vị vật nuôi)

Quy mô vừa (từ 30 đến 300 đơn vị vật nuôi)

1

Lợn dưới 28 ngày tuổi

8

< 624 con

Từ 625 - 1.874 con

Từ 1.875 - 18.749 con

2

Lợn thịt

 

 

 

 

2.1

Lợn nội

80

< 62 con

Từ 53 - 187 con

Từ 188 - 1.874 con

2.2

Lợn ngoại

100

< 49 con

Từ 50 - 149 con

Từ 150 - 1.449 con

3

Lợn nái

 

 

 

 

3.1

Lợn nội

200

< 24 con

Từ 25 - 74 con

Từ 75 - 749 con

3.2

Lợn ngoại

250

< 19 con

Từ 20 - 59 con

Từ 60 - 599 con

4

Lợn đực

300

< 16 con

Từ 17 - 49 con

Từ 50 - 499 con

            Đối với phương thức nuôi chuồng kín và chuồng hở được áp dụng cho trang trại nuôi theo quy mô vừa; phương thức nuôi chuồng hở áp dụng cho trang trại nuôi theo quy mô nhỏ và quy mô chăn nuôi nông hộ.

Quy trình hướng dẫn chi tiết các nội dung về chuồng trại và trang thiết bị; thức ăn và nước uống; chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng heo và công tác thú y để thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Về chuồng trại và trang thiết bị: quy định rõ khoảng cách tối thiểu từ trang trại chăn nuôi đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư và giữa các trại chăn nuôi với nhau. Nơi xây dựng chuồng trại phải đủ nguồn nước đảm bảo chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; có biện pháp bảo vệ môi trường; có tường rào bao quanh; xây dựng chuồng trại chăn nuôi ở địa điểm cao ráo, dễ thoát nước, dễ làm vệ sinh và đảm bảo luôn khô ráo, thoáng mát. Chuồng nuôi phải bố trí phù hợp với từng đối tượng lợn và mục đích sản xuất. Phải bố trí hố khử trùng ở cổng ra vào, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi. Có khu vực vệ sinh, khử trùng, thay quần áo bảo hộ cho người chăn nuôi và khách tham quan cách biệt với khu vực chăn nuôi lợn.

Bố trí các khu cách ly lợn nhập mới, lợn ốm, khu vực thu gom và xử lý chất thải phải, khu vực phụ trợ khác phải cách biệt an toàn với khu vực chăn nuôi. Đường thoát nước thải phải xây dựng riêng cho từng chuồng vào đường thoát nước thải chung từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải đảm bảo kín đáo và dễ thoát nước. Không nên sử dụng chung trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho quá trình chăn nuôi giữa các dãy chuồng. Đối với phương thức chăn nuôi chuồng hở cần sử dụng lưới hay bạt để bao xung quanh chuồng nuôi để ngăn chặn côn trùng, động vật gây hại.

Về thức ăn, nước uống: sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn; nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho lợn. Nguồn nước sử dụng cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo an toàn, đảm bảo vệ sinh, không bị nhiễm khuẩn, nhiễm kim loại.

Về chăm sóc nuôi dưỡng: chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ lý lịch và an toàn dịch bệnh; nên áp dụng phương thức quản lý “cùng vào, cùng ra” theo thứ tự ưu tiên: cả khu, dãy chuồng, ô chuồng. tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng các nhóm đối tượng heo theo đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo nhiệt độ, ẩm độ, chế độ chăm sóc, thức ăn theo từng giai đoạn phát triển của lợn và theo mục đích sản xuất.

Về công tác thú y: hướng dẫn chi tiết các biện pháp thực hiện nội dung liên quan đến kiểm soát người và động vật; vệ sinh trước, trong và sau quá trình chăn nuôi; kiểm soát phương tiện vận chuyển; xử lý chất thải chăn nuôi, xác lợn chết; quy trình tiêm phòng các loại bệnh; quản lý, ghi chép và kiểm tra nội bộ.

Ngoài ra, quy trình còn cung cấp thông tin về đặc điểm một số hóa chất tẩy rửa và khử trùng; hướng dẫn kỹ thuật tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh và sản phẩm động vật mắc bệnh; hướng dẫn cụ thể biện pháp xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh và các biểu mẫu theo dõi năng suất, chỉ tiêu sinh sản, ghi chép các nhập - xuất nguyên liệu thức ăn….

Phòng Nghiệp vụ Chăn nuôi

(Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)