Cơ hội và thách thức tại thị trường thủy sản Châu Âu

13/09/2022 - 15:24 | Giá cả, thông tin thị trường

Klaas Puul là nhà nhập khẩu tôm khá nổi tiếng, đã thực hiện việc kết nối với các công ty cung cấp hàng hóa, sử dụng nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa cho một số dòng sản phẩm của mình (ví dụ: dòng sản phẩm tôm bán lẻ Klaas Puul).

Klaas Puul được đánh giá là công ty nhập khẩu thủy sản chuyên cung cấp các sản phẩm cao cấp, thể hiện rõ bằng những hình ảnh hiển thị trên bao bì sản phẩm: tên quốc gia xuất xứ và hình ảnh đại diện cho quốc gia đó. Ví dụ, trên bao bì của tôm từ Guatemala, Klaas Puul đã cho in hình một ngọn núi lửa và một ngôi đền. Điều này thật sự thu hút người tiêu dùng.

Bằng cách đặt sản phẩm tôm Nam Mỹ của mình khác biệt với các đối thủ cạnh tranh ở châu Á, Klaas Puul có thể bán sản phẩm với giá cao hơn. Nếu không có những nỗ lực kể trên, có thể khách hàng của Klaas Puul không sẵn sàng trả giá cao hơn như vậy cho cùng một loại sản phẩm, thậm chí khách hàng có thể yêu cầu Klaas Puul kinh doanh các mặt hàng tôm từ các nguồn cung rẻ hơn. Với chiến lược đã đặt ra, Klaas Puul tìm kiếm và lựa chọn những nhà sản xuất, những nguồn cung tôm (giống như doanh nghiệp của bạn) để cùng nhau phát triển những câu chuyện liên quan đến sản phẩm sẽ đưa ra thị trường.  

Một trường hợp khác đó là sáng kiến ​​xây dựng thương hiệu cá ngừ Indonesia “One-by-One” được tạo thành từ một nhóm các nhà xuất khẩu cá ngừ Indonesia, tất cả đã cùng nhau phát triển thương hiệu này dựa trên phương pháp sản xuất chung. Đây cũng là một ví dụ về việc cùng nhau xây dựng những câu chuyện thú vị và sử dụng thành công những câu chuyện đó để chinh phục thị trường. Hiện tại, nhóm các công ty này còn có tham vọng đạt được mức độ cao cấp của sản phẩm bằng cách hợp nhất để định vị sản phẩm của họ như một thương hiệu cao cấp trên thị trường thế giới.

Việc xây dựng thương hiệu cá ngừ “One-by-One” tập trung vào việc làm nổi bật truyền thống lâu đời của Indonesia về cá ngừ vằn đánh bắt bằng sào (pole - and line - caught skipjack) và cá ngừ vây vàng đánh bắt bằng nghề câu tay (handline - caught yellowfin tuna). Trang web thương hiệu đã hứa hẹn sản phẩm chất lượng cao được khai thác bằng phương pháp bền vững theo cách truyền thống. Các sản phẩm cá ngừ được bán dưới thương hiệu “One-by-One” đều được đóng gói theo kích cỡ phổ thông (universal package), có in logo và khẩu hiệu (slogan) trên nền màu xanh dương đậm. Hình ảnh đó đã tạo sự khác biệt cho các công ty tham gia so với các nhà sản xuất cá ngừ khác.

Về trang web cá ngừ Indonesia “One-by-One”, trang web này cho phép khách truy cập để đọc các câu chuyện có liên quan đến sản phẩm cá ngừ Indonesia, cũng như biết về các cam kết đằng sau thương hiệu “One-by-One”, mặt khác cũng cho phép độc giả tìm kiếm dữ kiện và số liệu, tên các nhà cung cấp cá ngừ đã tham gia thương hiệu “One-by-One” với tổng cộng 40 công ty ở Indonesia.

Điều quan trọng bạn phải hiểu rằng tất cả những câu chuyện mà các công ty này kể về sản phẩm của họ đều là sự thật. Đây không phải là một câu chuyện cổ tích, huyễn hoặc bản thân. Trên thực tế, các công ty đã tự xem xét và tìm kiếm các điểm bán hàng độc đáo ở các nhà sản xuất của họ và đã cố gắng (theo một cách đơn giản nhất) thể hiện điều này trên bao bì. Nếu bạn không thể đảm bảo rằng câu chuyện của bạn là sự thật, tốt hơn hết là bạn không nên kể câu chuyện đó. Giấy chứng nhận chính là cách cung cấp bằng chứng cho các tuyên bố của bạn. Sự xuất hiện của các thương hiệu này là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng ngày càng cao của việc bạn chọn lựa để kể những câu chuyện thu hút người tiêu dùng trong quá trình xây dựng thương hiệu của mình và củng cố vị thế của các sản phẩm đã có được chứng nhận.

Một số lời khuyên của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI):

• Hãy lấy cảm hứng từ các công ty khác kể những câu chuyện thành công để tạo ra bản sắc thương hiệu riêng.

• Xây dựng câu chuyện xung quanh thương hiệu của bạn khi bạn cung cấp hàng hóa cho thị trường bán lẻ và bán buôn, sau đó, hãy để người tiêu dùng nhìn thấy thông tin của câu chuyện được in trên bao bì. Ngay cả trong thị trường từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (the business to business market - B2B), câu chuyện về thương hiệu của bạn vẫn có thể mang lại cho doanh nghiệp của bạn những lợi thế so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác. Vì vậy, hãy bắt đầu nghiên cứu để kể câu chuyện của công ty bạn ngay từ bây giờ. Mặc dù nó không phải là yêu cầu bắt buộc trong việc gia nhập thị trường, nhưng đây là một xu hướng đang phát triển mạnh và ngày càng trở nên quan trọng đối với người tiêu dùng cuối cùng. Tốt nhất, bạn nên đi trước đối thủ cạnh tranh của bạn.

• Kiểm tra thương hiệu Fish Tales - một thương hiệu lớn về sản phẩm thủy sản bền vững ở Tây Bắc Âu cũng có nguồn gốc xuất xứ từ Maldives và Indonesia, đã kể về câu chuyện của các nhà sản xuất thủy sản trong phạm vi sản phẩm của họ trên bao bì sản phẩm và trên kênh bán hàng trực tuyến.

• Xem xét Acuamaya, một công ty nuôi trồng thủy sản đang đi theo hướng đổi mới nhằm thúc đẩy phát triển bình đẳng giới và là động lực quan trọng trong sự phát triển của ngành tôm bền vững ở Guatemala.

• Kiểm tra trang web của công ty thủy sản Đức-Việt Binca (German-Vietnamese seafood company Binca), họ đang cố gắng tạo nên sự khác biệt cho các sản phẩm của mình thông qua cách kể chuyện ở các tài liệu truyền thông trực tuyến và ngoại tuyến.

• Nghiên cứu cách thức thương hiệu Selva Shrimp kể về câu chuyện nuôi tôm thân thiện với rừng ngập mặn ở Việt Nam, đã tạo sự khác biệt cho sản phẩm Selva Shrimp so với các loại sản phẩm tôm bền vững khác trên thế giới.

Thúy Nga