Cơ hội thâm nhập thị trường hữu cơ Bắc Âu
14/02/2025 - 09:59 | Giá cả, thông tin thị trường
Nhu cầu lớn về sản
phẩm hữu cơ
Theo Thương vụ Việt
Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, khu vực Bắc Âu, bao gồm các nước
như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland, là một trong những khu vực
dẫn đầu thế giới về tiêu dùng sản phẩm hữu cơ.
Người tiêu dùng Bắc
Âu có xu hướng chú trọng đến sức khỏe, môi trường, và trách nhiệm xã hội trong
lựa chọn sản phẩm hàng ngày. Các sản phẩm hữu cơ, bao gồm thực phẩm, đồ uống,
và các sản phẩm chăm sóc cá nhân, được người tiêu dùng Bắc Âu đánh giá cao bởi
chúng không chứa hóa chất độc hại, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường
và thường đảm bảo quy trình sản xuất nhân đạo.
Trong các nước Bắc
Âu, Đan Mạch hiện là quốc gia có tỷ lệ tiêu dùng sản phẩm hữu cơ cao nhất thế
giới. Vào năm 2020, gần 13% thực phẩm tiêu dùng tại Đan Mạch là sản
phẩm hữu cơ, và giá trị thị trường hữu cơ ước đạt 2,8 tỷ EUR. Chính phủ
Đan Mạch đặt mục tiêu tăng gấp đôi diện tích canh tác hữu cơ ở nước này vào năm
2030.
Thụy Điển cũng là
thị trường hữu cơ lớn ở Bắc Âu. Năm 2020, thị trường hữu cơ tại Thụy Điển đạt
giá trị khoảng 25 tỷ SEK (khoảng 2,5 tỷ EURO). Số liệu này cho thấy người tiêu
dùng Thụy Điển ngày càng quan tâm đến các sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là trong
lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Thị phần sản phẩm hữu cơ chiếm khoảng 10% trong
tổng doanh số bán lẻ thực phẩm tại Thụy Điển.
Mặc dù tiêu thụ sản
phẩm hữu cơ ở Na Uy thấp hơn so với các nước Bắc Âu khác nhưng thị trường hữu
cơ tại đây vẫn đang tăng trưởng đều đặn với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 6 -
8% trong thập kỷ qua. Người tiêu dùng tại Phần Lan, Iceland cũng ngày càng quan
tâm đến sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.
Tỷ lệ tiêu dùng sản phẩm hữu cơ tại hai quốc gia này đang tăng trưởng khoảng 5
- 7% mỗi năm.
Những số liệu này
cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường sản phẩm hữu cơ tại Bắc Âu, đặc biệt
trong bối cảnh người tiêu dùng tại đây ngày càng có xu hướng chuyển sang các sản
phẩm bền vững và thân thiện với môi trường.
Cơ hội cho sản phẩm
hữu cơ Việt Nam
Thị trường Bắc Âu
đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao về tính bền vững, sức khỏe và bảo vệ
môi trường, điều này hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam
có khả năng cung cấp các sản phẩm hữu cơ. Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhận
định, với các sản phẩm nông nghiệp tự nhiên phong phú, từ trà thảo dược, cà
phê, gia vị đến trái cây nhiệt đới, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có tiềm
năng thâm nhập vào thị trường Bắc Âu nếu biết tận dụng cơ hội và xây dựng chiến
lược đúng đắn.
Việt Nam là quốc
gia nhiệt đới với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi để sản xuất các loại
nông sản hữu cơ như trà, cà phê, điều, tiêu, dừa, rau củ quả và các loại thảo
dược. Các sản phẩm này đã có tiếng trên thị trường quốc tế nhờ chất lượng tốt
và hương vị đặc trưng. Trong đó, các sản phẩm như trà gừng, trà sen, trà hoa
cúc và các loại thảo dược Việt Nam được biết đến với công dụng tốt cho sức khỏe,
phù hợp với xu hướng tiêu dùng hữu cơ tại Bắc Âu. Đây là những sản phẩm rất tiềm
năng để phát triển thị trường ngách hữu cơ tại khu vực này.
Theo Thương vụ Việt
Nam tại Thụy Điển, tuy có nhiều cơ hội, nhưng để thâm nhập vào thị trường Bắc
Âu, các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua những thách thức không nhỏ. Trước hết,
doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng được tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường Bắc
Âu. Cũng như toàn bộ EU, các nước Bắc Âu có những tiêu chuẩn rất khắt khe về an
toàn thực phẩm, tiêu chuẩn hữu cơ và chứng nhận bền vững. Các doanh nghiệp Việt
Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn như EU Organic Certification và đảm
bảo quy trình sản xuất của mình phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường và
an toàn lao động.
Doanh nghiệp cần
quản lý tốt chuỗi cung ứng, từ canh tác hữu cơ, sản xuất, đóng gói cho đến vận
chuyển. Việc này đòi hỏi sự minh bạch và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về
nguồn gốc nguyên liệu.
Để thâm nhập vào
thị trường hữu cơ Bắc Âu, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược thâm nhập thị
trường ngách sản phẩm hữu cơ. Việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và minh bạch
là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt Nam có thể thành công tại thị trường
Bắc Âu. Theo đó, các doanh nghiệp cần hợp tác với nông dân, nhà sản xuất và các
bên liên quan để đảm bảo quy trình sản xuất hữu cơ từ đầu đến cuối, đáp ứng các
tiêu chuẩn quốc tế.
Doanh nghiệp có thể
hợp tác với các tổ chức quốc tế như IFOAM (International Federation of Organic
Agriculture Movements) hoặc Fairtrade International để đạt được các chứng nhận hữu cơ và thương mại công bằng, từ đó nâng
cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường Bắc Âu.
Doanh nghiệp Việt
Nam cần xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu tại Bắc Âu. Người tiêu dùng sản
phẩm hữu cơ tại đây thường chia thành các phân khúc khác nhau. Trong đó, nhóm
người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe là nhóm khách hàng chính của các sản phẩm
hữu cơ, đặc biệt trong các lĩnh vực như thực phẩm, đồ uống và chăm sóc cá nhân.
Doanh nghiệp cần tập
trung vào Storytelling (kể chuyện thương hiệu). Cụ thể, doanh nghiệp tận dụng
yếu tố truyền thống và văn hóa trong câu chuyện của mình. Ví dụ, kể về quá
trình canh tác tự nhiên tại Việt Nam, sự chăm sóc của nông dân và lợi ích của sản
phẩm không chỉ đối với sức khỏe người tiêu dùng mà còn đối với môi trường.
Người tiêu dùng Bắc
Âu thường tìm kiếm thông tin và mua sắm trực tuyến. Do đó, các doanh nghiệp Việt
Nam cần tận dụng các nền tảng như Zalando, Etsy hoặc Amazon để tiếp cận khách
hàng và quảng bá sản phẩm.
Ngọc Hà.