Cơ hội lớn cho xuất khẩu cá sấu
27/09/2024 - 10:20 | Giá cả, thông tin thị trường
Theo số liệu thống kê của CITES,
hàng năm có khoảng trên 1,6 triệu tấm da và 100.000 con cá sấu sống được cấp
Giấy phép CITES - giấy tờ do Cơ quan Quản lý CITES cấp để xuất khẩu, nhập khẩu,
tái xuất khẩu, nhập nội. Trong đó, nước nhập khẩu cá sấu sống lớn nhất là Trung
Quốc với trên 2/3 tổng số mẫu vật cá sấu sống được cấp phép để xuất khẩu vào
quốc gia này.
Việt Nam có phân bố tự nhiên hai loài cá sấu,
gồm: Cá sấu nước ngọt hay cá sấu Xiêm (Crocodylus siamensis) và
cá sấu nước mặn hay cá sấu hoa cà (Crocodylus porosus).
Theo Sách Đỏ (2007), cá sấu nước ngọt được xếp loại
“CR” (rất nguy cấp) và cá sấu nước mặn là “EW” (tuyệt chủng ngoài tự nhiên). Cả
hai loài đều thuộc Nhóm I-B (đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác,
sử dụng vì mục đích thương mại) theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021
của Chính phủ.
Hoạt động gây nuôi sinh sản cá sấu ở nước ta đã được
thực hiện từ đầu những năm 1980 với nguồn gốc ban đầu là cá sấu đánh bắt từ tự
nhiên. Do có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và nguồn thức ăn phong phú,
cả hai loài cá sấu đã được gây nuôi sinh sản thành công ở các tỉnh khu vực phía
Nam. Hiện nay, loài cá sấu được nuôi phổ biến là cá sấu nước ngọt. Số lượng cá
sấu nước mặn còn rất ít do thoái hóa giống và có thể bị lai tạp trong quá trình
nuôi.
Trong số các cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt đã được cấp
mã số cơ sở nuôi tại phía Nam, có 9 trại nuôi sinh sản thương mại đã đăng ký
với Ban Thư ký CITES và 3 cơ sở nuôi sinh sản cá sấu đã đăng ký với CITES Việt
Nam với tổng đàn khoảng 500.000 cá thể, chiếm gần 2/3 tổng đàn cá sấu đang nuôi
hiện nay. Trong đó, đàn cá bố mẹ khoảng 33.000 cá thể, khả năng sinh sản khoảng
trên 300.000 con non/năm.
Theo quy định hiện tại, cá sấu nước ngọt được được xếp
vào nhóm IB, Phụ lục I CITES. Theo đó, chỉ cá sấu nguồn gốc từ các cơ sở nuôi
sinh sản thương mại đã đăng ký với Ban Thư ký CITES mới được xuất khẩu, buôn
bán quốc tế. Hoạt động gây nuôi, buôn bán cá sấu trong nước phải có nguồn gốc
từ các cơ sở nuôi đã được CITES Việt Nam cấp mã số.
Chuyển hướng xuất khẩu da
cá sấu
Sản phẩm từ cá sấu của Việt Nam được chế biến để tiêu
thụ bao gồm: Thịt (chủ yếu cho thị trường trong nước); da phần lớn là da thô
hoặc sơ chế để xuất khẩu và một số được dùng để sản xuất thành sản phẩm tiêu
thụ trong nước; cá sấu sống từ 10 - 20kg, với thời gian nuôi từ 1 - 2 năm chủ
yếu xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc và làm giống. Giá trị xuất khẩu mẫu vật
con sống và da thô chiếm trên 90%, còn lại là các sản phẩm từ da (túi xách, ví
da…) và thịt cá sấu (10%).
Số liệu cấp phép trong 8 năm (2016 - 2023) của CITES
Việt Nam cho thấy, bình quân hằng năm Việt Nam có khoảng gần 80.000 mẫu vật cá
sấu sống và da nguyên tấm được cấp phép xuất khẩu, trong đó có khoảng 52.000
mẫu cá sấu sống, còn lại là da tấm muối thô.
Giai đoạn 2016 - 2019, xuất khẩu cá sấu sống Việt Nam
sang Trung Quốc chiếm
trên 99%. Trong khi đó sản phẩm da thô xuất khẩu sang thị trường này chiếm
khoảng 40%, còn lại được xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.
Riêng từ năm 2020 đến nay, nhu cầu thế giới suy giảm
do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cá sấu sống của Việt Nam không xuất được đi
Trung Quốc nên các doanh nghiệp chuyển qua xuất da. Số lượng da cá sấu xuất đi
Trung Quốc từ năm 2020 - 2023 là 561.700 tấm, chiếm 98% tổng số da cá sấu được
cấp phép xuất khẩu.
Nhiều khó khăn, thách thức
Theo CITES Việt Nam, ngày 21/11/2019, Tổng cục Hải
quan Trung Quốc (GACC) đã có Thông báo số 180 về xây dựng tuyến phòng thủ kiểm
dịch biên giới và bảo đảm an toàn sinh học, cấm “quá cảnh” các mặt hàng đặc
biệt như các vật thể, mô người, sản phẩm sinh học, máu và các sản phẩm của máu
có rủi ro cao về an toàn sinh học. Với thông báo trên, phía Trung Quốc chỉ cấm
quá cảnh các mẫu vật sinh học rủi ro trên.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các tổ chức, cá nhân xuất
khẩu cá sấu, GACC đang hạn chế nhập khẩu cá sấu từ Việt Nam. Lệnh cấm này gây
thêm khó khăn cho các doanh nghiệp nuôi, xuất khẩu cá sấu. Vào thời điểm đó,
CITES Việt Nam đã chủ động có thư gửi CITES Trung Quốc về vấn đề này và phía
bạn khẳng định vẫn cấp giấy phép CITES nhập khẩu cá sấu từ Việt Nam và không
biết về chính sách do GACC quy định.
Tiếp đến, tháng 1/2020, Trung Quốc đã ban hành lệnh
cấm buôn bán động vật hoang dã trên toàn quốc tại các chợ, siêu thị, nhà hàng
và trên các trang thương mại điện tử. Với lệnh cấm nhập khẩu vào Trung Quốc,
thị trường tiêu thụ cá sấu gần như bị đóng lại. Thực tế từ đầu năm 2020 đến
nay, không có một lô hàng cá sấu sống nào từ Việt Nam được thông quan.
Cá gần như không xuất bán được, trong khi hàng ngày
các cơ sở vẫn phải trang trải các chi phí thức ăn, nhân công, quản lý…, tác
động trực tiếp tới hơn 1.000 hộ đang nuôi cá sấu tại các tỉnh phía Nam cùng với
thiệt hại về kinh tế rất lớn.
Riêng với xuất khẩu da cá sấu dù có tăng lên nhưng
thời gian để xuất được lô hàng từ lúc có giấy phép xuất khẩu kéo dài, chi phí
cao trong khi giá giảm.
Đồng thời, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn
cầu, nhu cầu thị trường thế giới đối với các mặt hàng từ da cá sấu giảm mạnh.
Nếu như các năm trước, trung bình mỗi năm có khoảng 6.000 tấm da được xuất đi
thì từ năm 2020 - 2023 chỉ xuất khẩu được trung bình 1.900 tấm/năm.
Mặt
khác, một số hãng thời trang lớn như Gucci, Chanel… tuyên bố không hoặc hạn chế
sử dụng da động vật bò sát cũng dẫn đến giảm cầu tiêu dùng mẫu vật cá sấu trên
thị trường. Trong khi đó, thị trường trong nước không mặn mà với cá sấu thịt,
các sản phẩm da như túi xách, ví, dây lưng cũng chỉ tiêu thụ được với số lượng
hạn chế.
Ngoài ra, do công nghệ thuộc da còn hạn chế, chi phí
mở cơ sở thuộc da cao và khả năng tiếp cận thị trường yếu nên sản phẩm xuất
khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô (da phèn, da muối) và con sống, chỉ có một
số ít sản phẩm xuất khẩu là da thuộc. Phần lớn lượng thịt từ giết mổ lấy da và
sản phẩm làm từ da cá sấu là để tiêu thụ trong nước, đem lại giá trị gia tăng
thấp. Trong khi đó, nhu cầu da thuộc chất lượng của các công ty chế biến gia
công trong nước là rất lớn. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2024, các công ty đã
nhập khẩu hơn 11.000 tấm da cá sấu nguyên tấm và khoảng 100.000 miếng da cắt
sẵn nguồn gốc châu Phi và châu Mỹ để sản xuất gia công trong nước.
Mong cơ hội mới khi nghị
định thư được ký kết
Để duy trì nghề nuôi cá sấu đã tồn tại từ lâu, CITES
Việt Nam cho rằng, việc tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân, đặc
biệt là các cơ sở nuôi, kinh doanh cá sấu thời điểm này là vô cùng cấp thiết.
Theo đó, cần sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước liên quan, với nhiều giải
pháp ngắn hạn và lâu dài, đặc biệt là tháo gỡ thông thương với Trung Quốc cho
mặt hàng cá sấu sống.
Ngày 19/8/2024, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bộ NN-PTNT
Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chính thức ký kết 3 nghị định
thư, gồm: Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm
đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định
thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang
Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu
nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Việc ký kết Nghị định thư này là một bước tiến quan
trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành
nông nghiệp Việt Nam.
Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã phát triển trong hơn
30 năm qua. Các sản phẩm từ cá sấu như thịt, da và các bộ phận khác có giá trị
kinh tế cao. Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn
cho ngành này.
Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là động lực để
ngành nuôi cá sấu Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu
chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.
Tuy nhiên, CITES Việt
Nam cho hay, việc xuất khẩu cá sấu sống sang thị trường Trung
Quốc ngoài đảm bảo các giấy tờ về nguồn gốc theo quy định của CITES còn cần
phải đáp ứng các điều kiện về kiểm dịch và cách ly theo quy định tại Nghị định
thư như: Kiểm tra lâm sàng từng cá thể, xác nhận khỏe mạnh, không có dấu hiệu
mắc bệnh truyền nhiễm, âm tính với 3 loại bệnh West nile fever, Crocodian
Herpesviruses và bệnh nhiễm khuẩn Salmonella.
Để thực hiện được các điều kiện này, đòi hỏi người
nuôi phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ. Bộ NN-PTNT cần sớm có các hướng
dẫn cụ thể về công tác kiểm dịch để việc xuất khẩu cá
sấu sống sang thị trường Trung Quốc có thể đem lại hiệu quả
kinh tế cho người nuôi trong nước.
Thứ
trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, vừa qua, Bộ NN-PTNT Việt Nam và
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết 3 nghị định thư quan trọng,
mở đường cho xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường
Trung Quốc. Riêng với cá sấu, khu vực ĐBSCL có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong
việc phát triển nuôi. Đây cũng là động vật dễ nuôi, có thể tận dụng những loại
thức ăn có nguồn gốc động vật bỏ đi, nhưng lại có thể sản xuất thành sản phẩm
thịt và da cá sấu có giá trị cao.
Nguồn: nongnghiep.vn CTV: P. Thanh st