Cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU trong 6 tháng
04/12/2023 - 10:38 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
Đảm bảo triển khai IUU không chỉ tốt trên mặt văn bản
Tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương
vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 10/2023, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương
mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay, qua thực tế đánh giá, EU ghi nhận
những nỗ lực của Việt Nam trong việc khuyến nghị chống khai thác hải sản IUU và
quyết tâm để gỡ “thẻ vàng” IUU nhưng trên thực địa vẫn còn một số vấn đề phát
sinh.
Nếu tình hình thực tế triển khai các biện pháp chống khai thác IUU
có cải thiện, tốt hơn so với đợt kiểm tra vừa qua, EU sẽ xem xét gỡ bỏ “thẻ
vàng” IUU cho Việt Nam trong 6 tháng tới, trước kỳ bầu cử Nghị viện EU.
Do vậy, ông Trần Ngọc Quân đề nghị chính quyền các địa phương,
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp tăng cường
hướng dẫn, tuyên truyền đến ngư dân nhiều hơn để tuân thủ các quy định trong
khai thác, đánh bắt đúng ngư trường, đảm bảo triển khai IUU không chỉ tốt trên
mặt văn bản.
“Trong 6 tháng tới, nếu chúng ta không quyết tâm để gỡ được ‘thẻ
vàng’ IUU thì sẽ phải chờ đợi thêm một thời gian rất dài. Bởi sau khi bầu cử
Nghị viện EU, họ sẽ ưu tiên nhiều hơn cho việc ổn định thể chế trước khi xem
xét, quyết định đến các vấn đề khác”, ông Trần Ngọc Quân phân tích.
Quyết liệt và nghiêm túc
Chiều 8/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ
trì cuộc họp với Bộ NN&PTNT về một số nhiệm vụ, trọng tâm, cấp bách chống
khai thác IUU.
Tại cuộc họp, Bộ NN&PTNT đề xuất trước mắt tập trung vào các
nhóm nhiệm vụ: Ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản IUU ở vùng biển
nước ngoài; khắc phục tình trạng tàu cá mất kết nối VMS khi đang hoạt động trên
biển.
Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ tổ chức cuộc họp với các tỉnh,
thành phố liên quan để thảo luận, quán triệt các giải pháp khắc phục triệt để 2
nhóm nhiệm vụ nêu trên, hoàn thành trước ngày 30/4/2024 - thời điểm Đoàn của EC
sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5.
Bộ cũng báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về tiến độ sửa đổi,
bổ sung một số nội dung của Nghị định 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 42/2019/NĐ-CP và
Thông tư 23/2019/TT-BNN liên quan đến các vấn đề về: Kiểm soát nguyên liệu thủy
sản nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng tàu container; quy định xử phạt hành
vi vượt ranh giới cho phép trên biển được phát hiện qua hệ thống giám sát tàu
cá và giải quyết vấn đề tàu cá “3 không” - không đăng ký, không giấy phép khai
thác, không đăng kiểm.
Phát biểu Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu
các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ
tướng tại Công điện ngày 4/11/2023.
Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất tổ chức cuộc họp theo hình thức
trực tuyến với các tỉnh, thành phố liên quan, để thống nhất những nhiệm vụ
trọng tâm, cấp bách cần triển khai trong thời gian tới.
Để có được những kết quả thiết thực, Phó Thủ tướng giao Bộ
NN&PTNT phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, thấu đáo, chi
tiết nội dung hội nghị để sau hội nghị, phải có danh mục nhiệm vụ cụ thể cho
từng bộ, ngành, địa phương thực hiện để công tác chống khai thác IUU có chuyển
biến thực chất, tất cả nhằm mục tiêu gỡ được “thẻ vàng” vì thời gian đến đợt
thanh tra thứ 5 của Ủy ban châu Âu không còn nhiều, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện, trình
cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung các Nghị định
26/2019/NĐ-CP, Nghị định 42/2019/NĐ-CP và Thông tư 23/2019/TT-BNN.
Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh có tàu cá/ngư dân vi
phạm chỉ đạo rà soát hồ sơ, điều tra, xử phạt dứt điểm 100% các trường hợp vi
phạm. Các lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố ven biển kiên quyết không cho
tàu cá xuất bến nếu không tuân thủ quy định về VMS.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu người đứng đầu các địa
phương phải phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để cùng Trung ương
quyết tâm sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, đảm
bảo lợi ích của người dân, phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm
và hội nhập quốc tế.
Thúy Nga (nguồn Tổng cục Thủy sản)