Cơ hội cho các mặt hàng chủ lực từ thị trường tỷ dân

09/04/2024 - 08:37 | Giá cả, thông tin thị trường

Thời gian tới, do khủng hoảng Biển Đỏ và tình hình kênh đào Panama bị cạn kiệt, các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc có xu hướng nhập khẩu hàng hoá từ các nước Đông Nam Á. Năm 2024, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trọng điểm của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao. Ngoài các mặt hàng thế mạnh như rau quả, thủy sản, các doanh nghiệp đang tập trung tăng thị phần các mặt hàng còn nhiều tiềm năng như cao su, hạt tiêu, sắn…

              Liên tiếp các tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, từ rau củ quả, thủy sản, rồi xơ sợi dệt. Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tháng đầu năm đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 17,28% so với cùng kỳ.

            Tập trung chinh phục sâu hơn vào các địa phương tại Trung Quốc là chiến lược của khẩu Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị trong năm 2024. "Mặc dù tình hình khó khăn của toàn nền kinh tế, tuy nhiên công ty chúng tôi cũng đạt được mức tăng trưởng trên 30% đối với thị trường Trung Quốc so với cùng kỳ và trong 2 tháng đầu năm nay cũng đạt thu tăng trưởng trên 135%", bà Dương Thị Thủy - Giám đốc Kinh doanh Xuất khẩu Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị cho biết.

            Thời gian tới, do khủng hoảng Biển Đỏ và tình hình kênh đào Panama bị cạn kiệt, các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc có xu hướng nhập khẩu hàng hoá từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam do thời gian vận chuyển nhanh, chất lượng hàng hoá đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và chi phí logistics thấp.

            "Các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu để tìm về cơ chế chính sách của các địa phương của phía Trung Quốc và của thị trường Trung Quốc để đáp ứng về các tiêu chuẩn, yêu cầu về kĩ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc; đồng thời đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc cũng như điều kiện của phía Trung Quốc để chúng ta đảm bảo xuất khẩu hàng hóa ngày càng ổn định hơn", ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết.

            Để giữ được thị trường Trung Quốc, nhiều chuyên gia khuyến nghị nông dân và doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường tiếp cận vùng bởi Trung Quốc là thị trường vô cùng rộng lớn, mỗi vùng lại có nhu cầu và tập quán khác nhau trong khi hầu hết doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam chỉ mới khai thác các địa phương lân cận biên giới Việt - Trung.


             VTH - Nguồn: VTV.vn