Cơ bản khống chế, kiểm soát được dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

17/11/2021 - 09:46 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xảy ra đầu tiên tại địa bàn xã Suối Rao (huyện Châu Đức) vào ngày 25 tháng 6 năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh VDNC đã xuất hiện trên 6/8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 982 ổ dịch được ghi nhận tại 46/65 xã có dịch. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 2.154 con, trong đó có 214 con chết và được tiến hành tiêu hủy với tổng trọng lượng là 36.021 kg.

         Trao đổi với chúng tôi, Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) cho biết “Bệnh VDNC là bệnh do virus họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và bò là loài mẫn cảm đối với bệnh, bệnh lây lan qua côn trùng cắn đốt, qua tiếp xúc trực tiếp với trâu, bò mang mầm bệnh. Tỷ lệ chết từ 1 - 5%, tuy nhiên nếu bệnh thành dịch và mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác thì tỷ lệ chết sẽ tới 50% trâu, bò mắc bệnh”.

Trên địa bàn tỉnh có 8 trang trại chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn 8.000 con. ½ số lượng trâu, bò tại các trang trại đã được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh VDNC. Hiện chưa ghi nhận trâu bò mắc bệnh tại các trang trại. Bệnh VDNC chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và hầu hết trâu, bò chưa được tiêm phòng vắc xin. Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay tại Việt Nam có 3 loại vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò, gồm các loại Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ, LumpyShield của Jordan và Mec VAC của Ấn Độ; trong đó trâu, bò được tiêm vắc xin Lumpyvac sau 28, 35 và 42 ngày đã có kháng thể kháng vi rút VDNC.

Do đó, khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh, hộ chăn nuôi phải thông báo đến chính quyền địa phương để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và tiêu hủy trâu, bò có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh. Đối với trâu, bò mắc bệnh phải tiêu hủy thì hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, người chăn nuôi, người buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò phải cam kết thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển trâu, bò bệnh, trâu, bò chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh, trâu, bò chết; Không vứt xác trâu bò ra ngoài môi trường; Không chăn thả rông trâu, bò bị bệnh chung trên đồng cỏ.

Kể từ khi ghi nhận bệnh VDNC xảy ra trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh và các ban, ngành các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm bệnh VDNC vào địa bàn tỉnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm và báo cáo nhanh các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh; Xử lý triệt để khi dịch bệnh mới phát sinh, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả đối với bệnh VDNC; không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng và hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế do dịch bệnh VDNC gây ra.

Theo Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, toàn tỉnh có khoảng 7.658 hộ chăn nuôi trâu, bò nhỏ lẻ với tổng số 42.600 con, đa phần các hộ chăn nuôi theo hình thức tận dụng công lao động nhàn rỗi và sử dụng thức ăn sẵn có, mức độ thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi còn thấp, chưa chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh VDNC, do đó khi xảy ra dịch bệnh thì khả năng lây lan dịch bệnh là khá cao.

Kể từ khi ghi nhận ca bệnh VDNC đầu tiên tại huyện Châu Đức, qua triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, tính đến nay, tình hình dịch bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và thị xã Phú Mỹ chỉ ghi nhận những ổ dịch mới với số lượng rất ít. Riêng 12 xã, thị trấn đã xảy ra dịch thuộc các huyện Long Điền, Đất Đỏ và thành phố Bà Rịa đã trải qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức cấp phát 42.000 liều vắc xin phòng bệnh VDNC và đã tổ chức tiêm phòng 34.419 liều vắc xin, đạt tỷ lệ 81,95%.

Thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh là chìa khóa để kiểm soát, khống chế dịch bệnh VDNC trên trâu bò. Theo đó, đối với hình thức chăn nuôi nông hộ: người dân chỉ mua trâu, bò giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; trong quá trình chăn nuôi cần định kỳ vệ sinh, xử lý chất thải chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật; tăng cường khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, chú trọng các loại hóa chất đặc hiệu để tiêu diệt vật chủ trung gian (ve, mòng, muỗi, ruồi…); định kỳ tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng để tạo miễn dịch chủ động cho gia súc; không mua thịt và sản phẩm trâu, bò không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm soát giết mổ và nơi chế biến thực phẩm của gia đình phải tách biệt với khu vực chăn nuôi; thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp phòng, chống, kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh VDNC. Đối với các trang trại chăn nuôi trâu, bò cần thực hiện các khâu để đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; Lưu ý các khuyến cáo của đơn vị chuyên ngành trong vệ sinh, sát trùng công nhân chăm sóc hằng ngày, khách tham quan và các quy trình xử lý chất thải, dịch bệnh trong khu vực chăn nuôi.

Phòng Nghiệp vụ Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)