Chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Cúm A/H5N1 trên động vật hoang dã

23/10/2024 - 15:53 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Trong thời gian từ tháng 8/2024 đến 22/9/2024 đã phát hiện nhiều trường hợp động vật hoang dã (hổ, báo, sư tử) bệnh, chết bất thường tại Vườn thú Mỹ Quỳnh ở tỉnh Long An và Khu du lịch Sinh thái Vườn Xoài (ở phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) ở tỉnh Đồng Nai với các triệu chứng lâm sàng chung ghi nhận được gồm sổ mũi, bỏ ăn, mệt mỏi, đi lại yếu, nằm một chỗ và chết, thời gian từ khi phát bệnh đến chết ngắn nhất là 2 - 3 ngày, một số con kéo dài từ 7 - 10 ngày. Sau khi các cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm thì có kết quả dương tính với vi rút Cúm A/H5N1. Việc ghi nhận cúm A/H5N1 trên đàn hổ tại Khu du lịch Vườn Xoài là trường hợp rất đặc biệt. Bởi lẽ, dòng virus cúm A/H5N1 chủ yếu ghi nhận trên nhóm vật chủ là gia cầm và các động vật lông vũ. Ðiều này, cho thấy tiềm ẩn nguy cơ khác thường của việc lây nhiễm cúm A/H5N1 trên các loài, không riêng gì các loài động vật lông vũ như trước đây mà còn ở động vật ăn thịt.

            Để chủ động phòng chống bệnh Cúm A/H5N1 trên động vật hoang dã và lây sang các loài động vật mẫn cảm khác, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có văn bản đề nghị Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh trên động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y; trong đó chú trọng một số nội dung sau:

          Phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm và các cơ sở/tổ chức gây nuôi động vật hoang dã tại địa phương, trong đó có hổ, báo, sư tử và các động vật mẫn cảm với vi rút Cúm gia cầm, nếu phát hiện các trường hợp động vật hoang dã bệnh, chết bất thường với các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích như mô tả ở trên thì tiến hành tổ chức điều tra dịch tễ, xác định các yếu tố nguy cơ (đặc biệt là nguồn thức ăn cung cấp cho động vật và nguồn gốc động vật nhập về), lấy mẫu xét nghiệm phát hiện vi rút Cúm gia cầm A/H5N1 để triển khai kịp thời các biện pháp phòng bệnh.

           Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch Cúm gia cầm; Điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm và xử lý ổ dịch; Tiến hành tiêm phòng vắc xin Cúm cho đàn gia cầm theo Kế hoạch số 49/KH-CNTY ngày 02/10/2024 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

           Tăng cường kiểm tra công tác kiểm dịch động vật, trong đó có động vật hoang dã (nếu có), sản phẩm động vật vận chuyển trên địa bàn theo quy định; thông tin, tuyên truyền về tình hình, tính chất nguy hiểm của bệnh Cúm gia cầm, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ động vật, không sử dụng động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

          Thực hiện việc phối hợp với các cơ quan y tế trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

          Tham mưu để xử lý nghiêm những trường hợp nuôi nhốt động vật hoang dã không tuân thủ các quy định về thú y, các quy định về báo cáo dịch bệnh và phòng, chống dịch bệnh động vật.

                                                          Hạnh nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y