Chủ động bảo vệ đàn vật nuôi trong thời điểm nắng nóng

08/04/2024 - 14:30 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Thời điểm này, miền nam Việt Nam đã bước vào mùa khô khá khắc nghiệt, những đợt nắng nóng với nền nhiệt độ cao, làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đây là những yếu tố bất lợi trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Đàn vật nuôi sẽ giảm ăn, uống nước nhiều, sức đề kháng giảm thường tạo cơ hội cho các mầm bệnh xâm nhập, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

              Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam bộ đã xuất hiện tại miền Đông Nam bộ từ nửa cuối tháng 2 và tình trạng khô hạn sẽ còn tiếp diễn trong tháng 3 - 4 năm nay. Nhiệt độ trung bình phổ biến sẽ cao hơn khoảng 0,5 đến 1 độ C so với trung bình nhiều năm.

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo dự báo, nhiệt độ dao động hằng ngày dao động khoảng 34 - 36 độ C và thời điểm nắng nóng bắt đầu từ 12 giờ đến 15 giờ 30 hằng ngày. Với hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt như hiện nay có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng. Ở vật nuôi, khi nhiệt độ môi trường tăng cao, hệ thống điều hòa thân nhiệt làm giảm nhiệt độ thông qua các cơ chế: giãn mạch máu dưới da, niêm mạc miệng, niêm mạc đường hô hấp; đổ mồ hôi và giảm sự sinh nhiệt. Đặc biệt hiện tượng stress nhiệt xảy ra khi nhiệt độ môi trường tăng cao làm thân nhiệt tăng cao; đối với từng vật nuôi, ảnh hưởng của stress nhiệt sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung, khi bị stress nhiệt, vật nuôi mệt mỏi, biếng ăn dẫn đến giảm năng suất (tăng trọng, trứng, sữa) do lượng thức ăn ăn vào giảm, hệ số chuyển hóa thức ăn kém. Một khi cơ thể mệt mỏi, biếng ăn sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và dễ mắc các loại bệnh tật. Do đó, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là rất lớn, nguyên nhân do thời tiết thay đổi, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại các địa phương trên cả nước và tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh là lớn nhưng hình thức chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng cao. Thực tế đã chứng minh, thời điểm này trong các năm trước đây đều ghi nhận các ổ dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên vật nuôi.

Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, quá trình hấp thu và trao đổi chất của vật nuôi sẽ bị ảnh hưởng, do đó, ngoài việc cung cấp đầy đủ nước sạch cho vật nuôi, thì khẩu phần và cách cho ăn đóng vai trò quan trọng giúp vật nuôi chịu đựng với nhiệt độ môi trường cao. Sự giảm ăn là một phản ứng bình thường của cơ thể để giảm sự sinh nhiệt từ biến dưỡng. Một vài nghiên cứu cũng cho biết, sự tiêu hóa protein thô và xơ sinh nhiệt nhiều hơn tiêu hóa tinh bột và béo. Hai đặc điểm quan trọng của khẩu phần có thể áp dụng trong mùa nóng để làm giảm tổn thất do giảm ăn là dùng khẩu phần có thức ăn tinh và năng lượng cao (bù cho việc giảm ăn) và giảm thể tích khẩu phần ăn để làm tăng lượng vật chất khô ăn vào. Một số khuyến cáo cho người chăn nuôi về khẩu phần ăn cho từng đối tượng vật nuôi như sau: đối với trâu bò, cho ăn thức ăn ủ, chất lượng cao, giảm tỷ lệ thức ăn xơ, chọn thức ăn dễ tiêu hóa để giảm sự sinh nhiệt trong quá trình tiêu hóa của vật nuôi, đồng thời bổ sung các chất đệm và chế phẩm sinh học vào khẩu phần giúp bò dễ dàng tiêu hóa thức ăn và tạo môi trường vi sinh vật có lợi trong đường tiêu hóa. Đối với heo, tùy vào giai đoạn phát triển mà điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp, bổ sung thêm men tiêu hóa vào thức ăn để thúc đẩy quá trình tiêu hóa nhanh hơn. Đối với gia cầm, ngoài chế độ dinh dưỡng phù hợp theo từng giai đoạn phát triển cần bổ sung thêm thức ăn xanh vào khẩu phần. Một lưu ý nữa đó là thời gian cho ăn, có thể cho vật nuôi ăn làm nhiều bữa, tránh cho ăn vào thời điểm nhiệt độ lên cao. Ngoài ra, khi nhiệt độ môi trường tăng cao, vật nuôi tăng thải nhiệt qua mồ hôi và nước bọt, do đó ngoài tăng lượng nước sạch cho vật nuội uống, cần bổ sung thêm chất khoáng và chất điện giải để tránh tình trạng mất khoáng và kiềm huyết do hô hấp. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng nên bổ sung vitamin để hỗ trợ duy trì các hoạt động sinh lý, sinh hóa và miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là vitamin C được xem là vitamin kháng stress cho vật nuôi.

Để bảo vệ đàn vật nuôi trước thời điểm nắng nóng như hiện nay, bên cạnh những giải pháp về quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng, chống bệnh thì người chăn nuôi cần chủ động theo dõi thông tin dự báo thời tiết để áp dụng biện pháp quản lý thích hợp, đồng thời xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp phải dùng máy phát điện, vì không ít những sự cố về điện xảy ra trong thời điểm nắng nóng không được xử lý kịp thời đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi./.


Thịnh Đức Minh

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu