Chỉ đạo sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật trên cây trồng

09/05/2025 - 14:00 | Xúc tiến thương mại

Thực hiện chỉ đạo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại Công văn số 1043/TTBVTV-TTBVTV ngày 29 tháng 4 năm 2025 về việc chỉ đạo sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật trên cây trồng.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực quốc gia, từ tháng 5 đến tháng 7/2025, nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ; riêng tháng 6-7 nhiệt độ cao hơn 1-2 0C. Nắng nóng tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục duy trì trong tháng 5, tập trung vào giai đoạn giữa tháng và giảm dần, kết thúc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 5 đến tháng 7/2025 phổ biến xấp xỉ đến cao hơn 5-15% so với TBNN cùng thời kỳ. Thời điểm bắt đầu mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ xấp xỉ đến sớm hơn so với TBNN.

Để đảm bảo thắng lợi các vụ sản xuất trồng trọt trong năm, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Trồng trọt, Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi, Thanh tra Sở, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện các nội dung như sau:

1.      Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Tập trung chỉ đạo thời vụ gieo sạ, cơ cấu giống và các giải pháp trong sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2025 như sau:

a. Cây lúa vụ Hè Thu, Mùa 2025

- Đối với thời vụ sản xuất vụ Hè Thu 2025

+ Xuống giống lúa phải tuân thủ nguồn nước cung cấp và tình hình diễn biến các đối tượng dịch hại quan trọng; gieo trồng lúa cần tập trung, nhanh, gọn để tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn nước tưới.

+ Theo dõi sát tình hình hạn; thực hiện tốt biện pháp gieo sạ đồng loạt, né rầy hạn chế thấp nhất rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá truyền bệnh cho cây lúa non và ảnh hưởng bất lợi của thời tiết phải sạ đi sạ lại nhiều lần.

+ Hè Thu sớm: Từ ngày: 01/4/2025 - 20/4/2025[1].

+ Hè Thu chính vụ: Dự kiến từ ngày: 15/05/2025 - 10/06/2025.

Dự kiến thời gian thu hoạch lúa Hè Thu 2025: Tháng 7/2025 - 9/2025.

Ghi chú: Thời vụ xuống giống vụ Hè Thu phụ thuộc chặt chẽ vào mùa mưa, do vậy các địa phương chủ động điều chỉnh thời vụ xuống giống để cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Đối với thời vụ sản xuất vụ Mùa 2025

+ Lúa Mùa 1 vụ: Bắt đầu xuống giống từ 05/7/2025 kết thúc 05/8/2025.

+ Lúa Mùa trên diện tích lúa Hè Thu: Bắt đầu xuống giống từ 10/8/2025 kết thúc 10/9/2025.

-  Về cơ cấu giống: Tăng cường sử dụng các giống lúa xác nhận; thích hợp với vùng sản xuất; có khả năng kháng sâu, bệnh và chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, khuyến cáo theo các nhóm với tỷ lệ cụ thể như sau:

+ Giống chủ lực: Đài thơm 8, Nàng hoa 9, OM 5451, OM 4900, OM 7347, OM 4218, OM 6162,…

+ Nhóm giống lúa chất lượng trung bình khuyến cáo duy trì khoảng 15% trong tỷ lệ cơ cấu giống.

- Khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch, cày ải đảm bảo thời gian cách ly nguồn bệnh tối thiểu là 15 ngày để xuống giống vụ Hè Thu 2025.

- Tăng cường áp dụng cơ giới hoá trong gieo sạ để giảm lượng giống gieo, gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha, cơ giới hoá trong bón phân, phun thuốc, thu gom rơm rạ, ...

- Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ trong canh lúa như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, IPHM, tưới tiết kiệm nước, sử dụng giống lúa xác nhận, cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, thu hồi rơm, rạ tái sử dụng,...

b. Cây rau màu

- Rà soát lại diện tích gieo trồng của từng chủng loại, tuyên truyền tập huấn cho nông dân về sản xuất an toàn, ưu tiên phát triển những loại rau có đầu ra, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh sản xuất quá tập trung một loại gây dư thừa sản phẩm, giảm giá, giảm hiệu quả sản xuất.

- Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học; áp dụng tưới nước tiết kiệm, cơ giới hoá các khâu sản xuất.

- Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu: Chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, không để úng cục bộ; thiết kế liếp trồng thông thoáng, liên vùng, không để xảy ra hiện tượng lúa màu đan xen, đảm bảo bón phân cân đối.

- Tuyên truyền tập huấn cho nông dân về sản xuất an toàn, tránh sản xuất quá tập trung một loại gây dư thừa sản phẩm, giảm giá, giảm hiệu quả sản xuất. Chú ý biện pháp phòng trừ hiệu quả một số đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng chủ yếu như:

+ Cây khoai mỳ: Sử dụng giống khoai mỳ đã được công nhận cho sản xuất, quản lý tốt nguồn giống sạch bệnh cho sản xuất, ưu tiên sử dụng giống khoai mỳ chống chịu bệnh khảm lá; kịp thời phát hiện diện tích nhiễm bệnh để khoanh vùng, phun thuốc trừ môi giới truyền bệnh (bọ phấn trắng) và tiêu hủy nguồn bệnh triệt để.

+ Cây bắp: Chủ động áp dụng IPM/IPHM trên cây bắp để phòng trừ hiệu quả sâu keo mùa thu gây hại.

c. Cây công nghiệp

- Kiểm soát tốt diện tích các loại cây trồng chủ lực theo quy hoạch; không mở rộng diện tích cà phê, hồ tiêu.

- Đẩy mạnh đầu tư, thâm canh áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, tưới tiết kiệm nước; sử dụng giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sản xuất an toàn và có chứng nhận.

- Tiếp tục rà soát diện tích cà phê già cỗi, xây dựng kế hoạch tái canh cụ thể theo từng khu vực, từng đối tượng sản xuất; thúc đẩy tái canh bằng giống mới năng suất, chất lượng cao.

- Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình sinh vật gây hại; chủ động phòng chống kịp thời, đặc biệt đối bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu; bệnh vàng lá thối rễ, nấm hồng, tuyến trùng hại cà phê; bọ xít muỗi, bệnh thán thư hại điều, ….

d. Cây ăn quả

            - Kiểm soát tốt việc phát triển diện tích các loại cây ăn quả chủ lực theo quy hoạch; không mở rộng diện tích sầu riêng, mít,… tại những vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp.

            - Áp dụng các biện pháp kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, hạn chế sử dụng thuốc cỏ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất theo quy trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), sản xuất có chứng nhận để nâng cao hiệu quả sản xuất.

            - Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, dư lượng hóa chất, nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

            - Tổ chức tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo sinh vật gây hại cây trồng; hướng dẫn nông dân chủ động phòng chống kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm chi phí, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Tập huấn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác bền vững, quy trình phòng, chống sinh vật gây hại đã được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ban hành.

- Đối với diện tích trồng mới trong mùa mưa, cần dùng các biện pháp che mưa, chắn gió cho cây.

- Vào đầu mùa mưa, rễ cây cây ăn trái thường yếu do mưa nhiều làm đất yếm khí. Mặt khác mùa mưa cũng làm sâu bệnh dễ bộc phát, do đó cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối.

- Bón vôi vào đầu hay cuối mùa mùa mưa. Vôi có tác dụng giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, cung cấp Canxi trực tiếp cho cây, làm cho chất lượng trái ngon hơn.

Lưu ý với cây sầu riêng: Sầu riêng đang giai đoạn nuôi trái cần kiểm tra vườn thường xuyên, phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại như rầy xanh, rầy nhảy, rệp sáp, sâu đục trái, bệnh thán thư, bệnh thối trái,...

đ. Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

- Đối với những vùng khả năng bị hạn hán kéo dài thiếu nước tưới cần chuyển đổi cây trồng cạn có nhu cầu nước tưới ít hơn như bắp, khoai mì, đậu phộng, mè... hoặc chuyển dịch mùa vụ gieo trồng để tránh thiệt hại do khô hạn.

- Vùng có nước tưới khi chuyển đổi sang cây màu có hiệu quả kinh tế cao như đậu phộng, mè, bắp lai, rau đậu các loại, cần tập trung đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

- Trên đất lúa chuyển đổi cần quy hoạch bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng như vùng sản xuất bắp, đậu phộng, mè, rau đậu các loại,... để dễ điều tiết nguồn nước tưới.

e. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng) ở địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

2. Chi cục Chăn nuôi và Trồng trọt, Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi, Thanh tra sở, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Sở theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch, dự án, đề án, chương trình thuộc lĩnh vực trồng trọt để đảm bảo các chỉ tiêu và kế hoạch được giao trong năm 2025.

3. Giao Chi cục Chăn nuôi và Trồng trọt

- Phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật.

-  Là cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (ttbvtv_ttbvtv@mae.gov.vn). Trường hợp phát sinh tình huống khẩn cấp, báo cáo kịp thời cho Lãnh đạo Sở phụ trách và báo cáo nhanh về Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật qua số điện thoại 0989.580.226 (Đ/c Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để phối hợp xử lý.

Trúc Quỳnh

[1] Hiện nay, diện tích lúa Hè Thu 2025 đã gieo sạ là: 1.474 ha/8.038 ha Kế hoạch, chiếm 18,3% kế hoạch.