Chất lượng là “chìa khóa” mở cửa thị trường EU cho hồ tiêu Việt EU tăng nhập khẩu hồ tiêu từ thị trường Việt Nam
16/10/2023 - 10:34 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
6 tháng
đầu năm 2023, EU nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam đạt 15,15 nghìn tấn, trị giá
60,24 triệu EUR (tương đương 64,23 triệu USD), giảm 23,2% về lượng và giảm 36%
về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, EU nhập khẩu hồ tiêu chủ yếu từ
Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc.
Thị phần hồ tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập
khẩu của EU từ thế giới tăng từ 37,08% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 38,18%
trong 6 tháng đầu năm 2023.
Tương tự, EU giảm mạnh nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil,
tốc độ giảm 53,2% về lượng và giảm 58,0% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái,
đạt 4,17 nghìn tấn, trị giá 14,46 triệu EUR (tương đương 15,42 triệu USD). Thị
phần hồ tiêu của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới giảm từ
16,75% trong 6 tháng đầu năm 2022 xuống 10,51% trong 6 tháng đầu năm 2023.
“Đối với ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị trước và sau
khi có Hiệp định EVFTA đã có sự khác biệt rõ ràng về thuế”, bà Hoàng Thị Liên –
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam – chia sẻ và cho biết, EVFTA đã tạo cú hích,
động lực tích cực cho doanh nghiệp trong việc đặt mục tiêu mở rộng và tiếp cận
thị trường EU trong kế hoạch kinh doanh của mình.
Cũng theo bà Hoàng Thị Liên, 8 tháng đầu năm 2023, kim
ngạch xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường EU đạt gần 35 nghìn tấn, chiếm 18,5%
trong tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Thị phần hồ tiêu tại thị
trường EU tăng, khách hàng, người tiêu dùng EU ngày càng biết đến nhiều hơn sản
phẩm hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam.
“EU là thị trường chất lượng cao, tuy nhiên, đi liền
với nó đó là giá trị gia tăng rất lớn. Do đó, đây là thị trường mà các doanh
nghiệp dù có quy mô lớn hay nhỏ đều phải hướng đến. Doanh nghiệp tìm mọi ngóc
ngách, phân khúc phù hợp với mình”, bà Hoàng Thị Liên cho biết.
Quan trọng nhất vẫn là vấn đề chất lượng
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sang thị
trường này, theo bà Hoàng Thị Liên câu chuyện thị trường và chất lượng hết sức
quan trọng.
Bởi lẽ, hiện EU đặt ra khoảng hơn 500 tiêu chí về mức dư
lượng thuốc bảo vệ thực vật mà chúng ta cần phải kiểm soát trong hồ tiêu và cây
gia vị nói chung. Các tiêu chí này tạo nên sức ép rất lớn cho toàn bộ chuỗi từ
sản xuất đến xuất khẩu.
“EU là thị trường khó tính và doanh nghiệp cần liên tục
cập nhật các vấn đề liên quan đến việc kiểm soát chất lượng. Năm nay, có thể
chỉ dừng ở con số 507 tiêu chí về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tuy
nhiên, sang năm, con số này có thể tăng thêm 1-2 tiêu chí nữa. Họ liên tục cập
nhật thị trường để làm sao đảm bảo tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm”,
bà Liên chia sẻ.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc kiểm soát
chuỗi cung ứng trong nội bộ ngành, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đang khuyến nghị
các doanh nghiệp hướng tới phương thức hợp tác chặt chẽ, có cam kết trong thời
gian dài với nông dân. Đây được xem là giải pháp căn cốt giúp doanh nghiệp có
thể kiểm soát được sản phẩm đầu ra của thị trường.
“Sản phẩm chúng ta có thể làm được tốt nhất chưa chắc
đã là cái mà thị trường mong muốn nhất. Do đó, hiện Hiệp hội đang đẩy mạnh liên
kết sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường, cung cấp cho thị trường sản phẩm thị
trường cần chứ không phải cung cấp cho thị trường sản phẩm chúng ta có”, bà
Liên chia sẻ.
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh liên kết từ gốc sản xuất sẽ giải quyết được hai vấn đề về bền vững. Thứ nhất, bền vững với nhiều khía cạnh môi trường, kinh tế, thu nhập bền vững để người nông dân yên tâm và gắn bó với cây hồ tiêu. Thứ hai, đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc.Và với các nền tảng chắc chắn từ gốc sản xuất sẽ thuyết phục được thị trường xuất khẩu bằng chất lượng. Sau đó, mới là câu chuyện xây dựng thương hiệu, thông qua các chương trình làm các giấy chứng nhận mà đã được các tổ chức nước ngoài công nhận. Khi đó, sản phẩm đi vào thị trường một cách thuận lợi hơn.
Liên quan đến câu chuyện về chất lượng, theo bà Trần
Như Trang – Chuyên gia Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO), mối
quan tâm hàng đầu của thị trường này đó là an toàn thực phẩm và tính bền vững ở
tất cả các cấp các ngành hàng. Môi trường, yêu cầu pháp lý sẽ trở nên chặt chẽ
hơn, tăng cường kiểm soát, mở rộng danh sách các chất bị cấm và chỉ tiêu dư
lượng hoá chất (MRLs) thấp hơn (chứng chỉ sản phẩm). Các chứng nhận quy trình,
tiêu chuẩn tự nguyện và nhãn mác sẽ ngày càng được khai thác để tăng sự tin
tưởng, đảm bảo tuân thủ và truy xuất nguồn gốc.
Do đó, các tổ chức, tập đoàn và doanh nghiệp nhỏ và
vừa cần chủ động để giữ vững vị thế tại thị trường xuất khẩu chủ lực này. Cần
chuyển từ số lượng sang chất lượng. Những hạn chế mới mang đến cơ hội cho các
lĩnh vực và nhà điều hành kinh doanh chủ động và sáng tạo.
Về việc này, theo bà Liên, nếu sản phẩm qua được yêu
cầu của thị trường về chất lượng thì nghiễm nhiên sẽ vào được thị trường một
cách dễ dàng, thuận lợi, bởi EU đang rất chào đón các sản phẩm hồ tiêu và cây
gia vị của Việt Nam và Việt Nam là nguồn cung cấp chính hồ tiêu của tại EU.
Hiện hồ tiêu Việt Nam chiếm tới 45% thị phần nhập khẩu của EU.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, hiệp hội ngành
hàng, bà Liên cũng kiến nghị các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ trong công tác xúc
tiến thương mại, cung cấp thông tin, cập nhật yêu cầu thị trường nhanh hơn để
doanh nghiệp có thể nắm được và điều chỉnh trong vấn đề giao thương.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng cần các
ưu đãi về lãi suất vay, các khoản tín dụng tập trung cho ngành công nghiệp chế
biến, khi đó, sẽ mang lại lợi nhuận, giá trị cao hơn cho cả doanh nghiệp và
nông dân.
Hiện một số doanh nghiệp hồ tiêu đã xây dựng được
thương hiệu riêng cho mình tại thị trường EU. Tuy nhiên, hồ tiêu Việt Nam xuất
khẩu sang thị trường EU vẫn được xem là thương hiệu chung của một quốc gia. Do
đó, làm thế nào để có thể xây dựng được thương hiệu chung cho cả ngành hàng này
tại thị trường EU cũng là vấn đề đang được đặt ra.
Ngọc Hà (nguồn Cục BVTV).