Cấp mã số vùng trồng mở cửa cho nông sản Bà Rịa – Vũng Tàu vươn xa

31/10/2022 - 08:31 | An toàn thực phẩm

Việc cấp mã số vùng trồng - mã số định danh cho một vùng sản xuất có thể xem là “chiếc chìa khóa” mở "cánh cửa" cho nông sản vươn ra thị trường thế giới. Ngày 07/7/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành văn bản số 7946/UBND-VP về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Đây chính là giải pháp căn cơ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây tươi của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết để nông sản Việt Nam nói chung và nông sản của Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế, vì đây là yêu cầu của các thị trường nhập khẩu để có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm cũng như kiểm soát chất lượng vùng trồng hiệu quả hơn. Các quy định về vùng trồng, quy trình canh tác, quy trình sơ chế đóng gói và truy suất nguồn gốc, ... đang là yêu cầu của những thị trường có nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hoa Kỳ, EU, ... Các vùng trồng được cấp mã số đều phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép nhật ký canh tác để có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dịch hại, … Doanh nghiệp và người nông dân phải kịp thời nắm bắt tình hình sinh vật gây hại, triển khai các biện pháp phòng trừ và không vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu.

Thời gian vừa qua BRVT đã tập trung cấp mã số vùng trồng cho các loại cây ăn quả chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, hiện trên địa bàn tỉnh đang có 08 vùng trồng và có 02 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đã được cấp mã số.

Một là đối với thị trường xuất khẩu Trung Quốc: Có 03 mã số vùng trồng với diện tích 420,9 ha, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc và Châu Đức. Trong đó: vùng trồng nhãn diện tích 13,9 ha, sản lượng ước đạt 291,9 tấn/năm; vùng trồng chuối diện tích 407,12 ha, sản lượng ước 16.280 tấn chuối/năm, hiện đang xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Các mã số xuất khẩu này do các cơ sở như HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm, Công ty TNHH TM Nochy và Công ty Cổ phần cao su Thống Nhất sở hữu.

Hai là đối với thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ, Úc: Có 02 mã vùng trồng nhãn với diện tích 24 ha, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, sản lượng ước đạt 502,1 tấn/năm. Các mã số này do Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu sở hữu.

Ba là thị trường xuất khẩu EU: Có 03 mã vùng trồng bưởi với diện tích 50 ha, trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, sản lượng ước đạt 1.000 tấn/năm. Các mã số này do các cơ sở: Trang trại bưởi hữu cơ Kim Long, Trang trại bưởi Hoàng Long 1, Trang trại bưởi Hoàng Long 2 sở hữu.

Hiện trên địa bàn tỉnh hiện nay có 02 mã số cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu với diện tích 5.167 m2 đóng trên địa bàn hai huyện Xuyên Mộc và Châu Đức, để xuất chuối đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ công bố yêu cầu kiểm dịch thực vật quả bưởi xuất khẩu sang Mỹ, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đăng trên công báo liên bang quyết định cho phép nhập khẩu quả bưởi tươi của Việt Nam vào thị trường này từ ngày 04/10/2022. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhằm chuẩn bị cho việc xuất khẩu trái bưởi tươi đi thị trường Hoa Kỳ, đến nay hồ sơ cấp mã số tại 04 vùng trồng bưởi xuất đi thị trường Hoa Kỳ (gồm trang trại bưởi hữu cơ Kim Long; Trang trại bưởi Hoàng Long 1; Trang trại bưởi Hoàng Long 2; Bưởi da xanh Sông Xoài) của hộ ông Trương Văn Út và ông Hồ Hoàng Kha trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, với tổng diện tích 68 ha, đã đáp ứng Tiêu chuẩn cơ sở về quy trình thiết lập và giám sát mã số vùng trồng quy định tại TCCS 774:2020/BVTV.

Trong thời gian tiếp theo, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục thực hiện công tác thiết lập, quản lý và đề nghị cấp mã số vùng trồng đối với sầu riêng, thanh long; mở rộng diện tích đề nghị cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. Tổng mã số vùng trồng Thanh Long trên địa bàn huyện Xuyên Mộc hiện đang lập hồ sơ đăng ký cấp 04 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 57 ha, ước sản lượng khoảng 1.630 tấn/năm, sản lượng ước xuất khẩu 1.427 tấn/năm; vùng sản xuất Thanh Long hiện nay đang sản xuất theo chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP. Tổng mã số vùng trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Châu Đức đến nay đang giai đoạn hoàn thiện hồ sơ và đăng ký cấp là 06 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 80 ha, sản lượng ước tính 600 tấn/năm, sản lượng ước xuất khẩu 500 tấn/năm. Các tổ chức hiện đang đăng ký mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu gồm HTX Sầu riêng 9B (địa chỉ thôn Sông Xoài 02, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) với diện tích 20 ha, và Vùng trồng sầu riêng xã Xà Bang, huyện Châu Đức với diện tích 60 ha.

Thực hiện chỉ đạo tại văn bản số 7946/UBND-VP ngày 07/7/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, thúc đẩy hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng gắn với các đơn vị xuất khẩu, quản lý ngăn chặn tình trạng đưa nông sản từ ngoài vùng trồng vào chuỗi sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Phạm Thị Hiền