Cẩn trọng với ‘cạm bẫy’ khi xuất khẩu sang Algeria
03/04/2025 - 08:47 | Giá cả, thông tin thị trường
Năm 2024 kim ngạch
xuất khẩu giảm còn 192 triệu USD. Nguyên do, cà phê thô – mặt hàng chiếm tới 70
– 80% tổng kim ngạch của Việt Nam sang Algeria giá quá cao khiến đối tác giảm
nhập khẩu từ Việt Nam, chuyển sang các nước châu Phi khác.
Ông Hoàng Đức Nhuận
cũng thông tin, do mặt hàng cà phê giá tăng quá cao, lại là mặt hàng thiết yếu,
để hỗ trợ tiêu dùng, năm 2025 Chính phủ Algeria đã giảm sâu thuế, phí nhập khẩu
đối với mặt hàng từ 63% xuống còn 10%. Nhờ đó, 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất
khẩu 14.718 tấn cà phê sang Algeria, tăng tới 65% so với cùng kỳ năm 2024.
“Cà phê thô là
mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang Algeria, hiện chiếm 50% tỷ trọng
xuất khẩu. Quốc gia này đang nhập khẩu 100% cà phê tiêu dùng trong nước với số
lượng khoảng 130.000 tấn/năm, kim ngạch 300 triệu USD. Tuy nhiên, Algeria ưu
tiên nhập khẩu cà phê thô và khuyến khích doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp
Việt Nam đầu tư sản xuất thành phẩm tại quốc gia này”, đại diện Thương vụ
Việt Nam tại Algeria cho hay.
Ngoài cà phê, nhiều
mặt hàng khác là thế mạnh của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang Algeria,
như: Chè xanh. Mỗi năm, Algeria nhập khẩu 50 triệu USD chè xanh, chủ yếu từ
Trung Quốc. Tổng thuế, phí nhập khẩu của mặt hàng này là 54%.
Gia vị nhập khẩu
30 triệu USD/năm, chủ yếu là tiêu đen, tổng thuế và phí là 54%. Năm 2024, xuất
khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Algeria đạt 633 tấn, kim ngạch 2,95 triệu USD,
cạnh tranh mạnh mẽ với hạt tiêu đến từ Ấn Độ, Pakistan, Brazil…
Ngoài ra, mặt hàng
quế hồi, hạt điều, cơm dừa, sữa bột, thủy sản… cũng là mặt hàng Việt Nam đang
xuất khẩu đạt kim ngạch cao và còn nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại Algeria.
Thận trọng trong
xác minh đối tác
Dù có nhiều tiềm
năng cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang Algeria, tuy nhiên ông
Hoàng Đức Nhuận cũng nhìn nhận những khó khăn có thể ảnh hưởng đến hoạt động
này. Trong đó, do chưa là thành viên của WTO nên thuế nhập khẩu vào Algeria khá
cao, trung bình khoảng 54%, chưa kể một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ nội địa,
thuế phòng vệ… có thể tới 200%.
Để bảo vệ sản xuất
trong nước, Algeria hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được
và chủ trương đẩy mạnh đầu tư hợp tác sản xuất tại chỗ, tránh nền kinh tế phụ
thuộc vào dầu khí.
Trên thị trường
Algeria, hàng Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với mặt hàng cùng loại tới từ Trung
Quốc, Ấn Độ và những nước có hiệp định thương mại tự do.
Mặt khác, chính sách thương mại của nước sở tại hay thay đổi, chính sách ngoại
thương mang tính bảo hộ. Hàng năm, Algeria ban hành Luật Tài chính trong đó có
quy định các mục tiêu về xuất nhập khẩu và biện pháp điều hành ngoại thương kịp
thời.
Một trong những trở
ngại nữa là ngôn ngữ giao dịch tại Algeria là tiếng Pháp nhưng ngôn ngữ sử dụng
trong công tác pháp lý là tiếng Arập. Điều này làm tăng thời gian và chi phí dịch
thuật khi cần thiết. Giá cước đi Algeria tăng cao do khủng hoảng ở khu vực
Trung đông.
“Tháng 4, Công
ty Vận tải Địa Trung Hải đã thông báo tăng phí vận chuyển từ 350 USD- 800 USD
tuỳ từng loại container và địa điểm”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại
Algeria thông tin.
Trước những khó
khăn nêu trên, Thương vụ Việt Nam tại Algeria cũng đưa ra những khuyến cáo giúp
doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt trở ngại khi xuất khẩu sang thị trường này.
Đặc biệt, tại
Algeria, tình trạng lừa đảo qua mạng Internet không phổ biến nhưng cần thận trọng
khi tìm kiếm bạn hàng online hoặc giao dịch với đối tác chủ động tìm đến doanh
nghiệp Việt Nam qua website.
“Do đó, trước
khi giao dịch, doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác – đặc biệt là đối tác lần đầu hợp
tác – cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, bản sao hộ chiếu hoặc
thẻ căn cước công dân của người đại diện. Khi cần, các cơ quan chức năng như
Thương vụ Việt Nam tại Algeria có thể hỗ trợ xác minh thông tin”, ông Hoàng
Đức Nhuận nhấn mạnh.
Về phương thức
thanh toán, nên sử dụng L/C không huỷ ngang có xác nhận ngân hàng uy tín tại
châu Âu hoặc châu Mỹ hoặc nhờ thu chứng từ qua ngân hàng, trong đó đề nghị đối
tác đặt cọc ít nhất 20% giá trị tiền hàng, không chấp nhận phương thức trả chậm.
Yêu cầu khách hàng
đặt cọc ngoài Algeria qua chi nhánh công ty hoặc người thân của khách hàng ở
Dubai hoặc châu Âu. Một biện pháp nữa là giao hàng gối đầu với việc khách ứng
tiền trước.
Trong trường hợp
phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp trong nước nên tự dàn xếp với khách hàng hoặc
liên hệ ngay với Thương vụ Việt Nam tại Algeria để được tư vấn hỗ trợ, tránh
kéo dài nhất là khi hàng bị ách tại cảng dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho bãi
và hư hỏng hàng hoá.
DNT (nguồn: Hiệp hội
Hồ tiêu và cây gia vị VN)