CẦN ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ DI DỜI CÁC CƠ SỞ CHẾ BIẾN HẢI SẢN VÀO CỤM CÔNG NGHIỆP VÀ KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA -VŨNG TÀU

12/10/2022 - 15:13 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Để thực hiệu quả Nghị quyết số 41/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã yêu cầu UBND địa phương và các Sở, ban ngành đẩy nhanh tiện độ việc di dời các cơ sở chế biến hải sản (CBHS) vào các Cụm công nghiệp (CCN), Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện theo Quyết định số 1611/QĐ-UBND ngày 19/6/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định tiêu chí xác định các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng di dời vào các KCN, CCN, vùng tập trung trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê, toàn tỉnh có 1.231 cơ sở phù hợp với tiêu chí di dời, cần phải di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất. Trong đó có 412 cơ sở CBHS và 819 cơ sở sản xuất ngành nghề khác.

TT

Địa Phương

Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường

Số lượng cơ sở CBHS

Cơ sở CBHS chấm dứt hoạt động

Cơ sở CBHS di dời

Nhu cầu diện tích di dời vào CCN, KCN

1

Thành phố Bà Rịa

236

04

0

04

14.900m2

2

Huyện Long Điền

222

222

178

44

16 ha

3

Huyện Đất Đỏ

59

59

0

59

Di dời vào CCN CBHS Lộc An

4

Huyện Xuyên Mộc

34

34

0

34

Di dời vào CCN CBHS Bình Châu

5

Thị xã Phú Mỹ

41

09

0

09

11 ha

6

Huyện Châu Đức

06

02

0

02

1.000m2

7

TP Vũng Tàu

633

82

39

43

21,35ha

8

Huyện Côn Đảo

0

0

0

0

 

 

Tổng cộng:

1.231

412

217

195

41,84 ha (không tính 108,1 ha của 6 cơ sở sản xuất Bột cá)

Căn cứ danh sách các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt, hiện nay các địa phương đang rà soát để xây dựng kế hoạch di dời cho phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

          * Huyện Xuyên Mộc: Đã có 02/34 cơ sở đồng ý thuê đất tại CCN chế biến hải sản Bình Châu để đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất kinh doanh. Các cơ sở còn lại chưa đồng ý với giá thuê lại đất là 96.734 đồng/m2/năm (đơn giá theo Quyết định số 306/QĐ-UBND), ngoài ra các cơ sở trong đối tượng di dời kiến nghị các ngành chức năng ban hành cụ thể đơn giá thuê đất thô, chi phí xử lý nước thải, chi phí sử dụng điện, nước sinh hoạt và sản xuất. Do đó, UBND huyện Xuyên Mộc chưa có cơ sở để xác định đối tượng đồng ý di dời, đối tượng chuyển đổi ngành nghề hoặc đối tượng chấm dứt hoạt động để lập hồ sơ theo quy định.


* Huyện Đất Đỏ: Đã vận động được 51/55 cơ sở đồng ý tham gia thành lập Hợp tác xã chế biến hải sản, trường hợp các hộ còn lại không đồng ý tham gia sẽ vận động chuyển đổi nghề. Về công tác triển khai thành lập hợp tác xã, địa phương đang phối hợp với Liên minh HTX tỉnh xây dựng phương án, điều lệ và các hồ sơ có liên quan để tổ chức Đại hội và thành lập Hợp tác xã, cụ thể:

            - Về mô hình, dây chuyền sản xuất: Sử dụng công nghệ phơi cá khô bằng nhà lồng kính có màng bao bọc xung quanh, mỗi hộ được trang bị máy đánh vảy, phòng sấy bằng điện hoặc quạt, quy trình sản xuất, chế biến không gây ảnh hưởng môi trường.

            - Về quy trình xử lý nước thải: Sau khi thành lập Hợp tác xã sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ đạt chuẩn cột B, sau đó Công ty IZICO sẽ tiếp nhận để đưa về Trạm xử lý nước thải tập trung của Cụm công nghiệp để xử lý cột A. 

* Huyện Long Điền: Ngày 28/9/2022 UBND huyện Long Điền có văn bản số 10087/UBND-TNMT gửi Sở Tài chính tỉnh đề nghị trình UBND tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ kinh phí cho 14 cơ sở sản xuất tự chấm dứt hoạt động sản xuất số tiền là: 1.957.260.000 đồng. Còn lại 44 cơ sở, diện tích hiện đang sử dụng là 16 ha, có nhu cầu di dời vào các CCN, KCN trên địa bàn tỉnh.

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác di dời

            - Hiện nay một số địa phương (thị xã Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu, huyện Long Điền, thành phố Bà Rịa, huyện Châu Đức) không có cụm công nghiệp chế biến hải sản, nên công tác di dời chưa thực hiện được, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Nghị quyết số 41/2018/NQ-HĐND.

            - Danh sách các các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của một số địa phương mới được phê duyệt và đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch để thực hiện di dời. Tuy nhiên, do đây là công việc rất phức tạp, liên quan đến sinh kế của nhiều hộ gia đình, nên các địa phương phải cần có thời gian để rà soát, đánh giá lại mức độ ô nhiễm của từng cơ sở, để vận động chuyển đổi ngành nghề, hoặc chấm dứt hoạt động hay phải di dời,… trên cơ sở đó mới xây dựng kế hoạch di dời cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.

            Hạ tầng kỹ thuật và thủ tục đất đai của 04 cụm công nghiệp phục vụ di dời (CCN CBHS Lộc An, CCN CBHS Bình Châu, CCB CBTP Long Phước, CCN Hoà Long) chưa được hoàn thiện, nên chưa đủ cơ sở pháp lý để Công ty IZICO là đơn vị được giao quản lý các CCN ký hợp đồng cho thuê lại đất đối với những cơ sở di dời. Hiện toàn tỉnh đã có 05 cơ sở chế hải sản, cơ sở giết mổ heo được di dời đi vào hoạt động tại CCN CBHS Lộc An và CCN CBTP Long Phước, tuy nhiên đến nay các cơ sở này chưa được hỗ trợ theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 41/2018/NQ-HĐND, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp này chưa có đầy đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định tại Điều 6, Nghị quyết số 41/2018/NQ-HĐND, đặc biệt là chưa có Hợp đồng thuê đất tại địa điểm mới (hợp đồng thuê đất giữa cơ sở sản xuất với Công ty IZICO).

            Việc yêu cầu các cơ sở di dời theo quy định về tiêu chí môi trường và và tiêu chí quy hoạch sử dụng đất của địa phương chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Vì có một số cơ sở có đầy đủ pháp lý về môi trường, đất đai và trong quá trình hoạt động không vi phạm về lĩnh vực môi trường, nên chưa có cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp ngưng hoạt động và di dời. Hiện nay UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giải quyết xử lý kiến nghị của một số doanh nghiệp (Công ty TNHH Tiến Đạt, Công ty Đông Hải,…) có nguyện vọng di dời về cụm công nghiệp chế biến hải sản Lộc An, Bình Châu để hoạt động. Tuy nhiên, do quỹ đất trong CCN còn lại rất ít, nên UBND huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc ưu tiên bố trí di dời cho các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn huyện, chưa giải quyết cho cơ sở các địa phương khác. 

Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Hiện nay, tổng nhu cầu về diện tích di dời cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh khoảng 41,84ha (không tính 8,1 ha của 6 cơ sở sản xuất Bột cá trên địa bàn thị xã Phú Mỹ). Với diện tích trên cần bổ sung thêm 01 CCN với tổng diện tích khoảng 65ha, mới đủ đáp ứng nhu cầu di dời của các địa phương. Tuy nhiên, căn cứ Thông báo kết luận số 2583-TB/TU ngày 01/7/2020 của Thường trực Tỉnh ủy về tình hình chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh, đã chỉ đạo khống chế diện tích các cụm công nghiệp chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh không quá 100ha; hiện nay tỉnh đã có 02 cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu (22,5ha) và cụm công nghiệp chế biến hải sản Lộc An (38ha), nên chỉ có thể bổ sung thêm 01 CCN CBHS nữa với qui mô khoảng 39,5 ha.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025, ngày 28/9/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản số 11976/UBND -VP chỉ đạo  Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất địa điểm bổ sung cụm công nghiệp chế biến hải sản với qui mô khoảng 39,5ha để phục vụ di dời. Đồng thời phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công thương, UBND huyện Xuyên Mộc, UBND huyện Đất Đỏ, và UBND thành phố Bà Rịa và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục về đơn giá thuê lại đất của các CCN (CBHS Bình Châu, CBHS Lộc An, Hòa Long, CBTP Long Phước), cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho Công ty IZICO theo quy định.

Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện: Lập kế hoạch thực hiện cụ thể đối với việc hỗ trợ chi phí cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng di dời đã được UBND tỉnh phê duyệt có nguyện vọng chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định tại Nghị quyết số 41/2018/NQ-HĐND ngày 14/12/2018 của HĐND tỉnh; Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xem xét những cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch (có trong danh sách di dời đã được UBND tỉnh phê duyệt), có khả năng cải tạo nhà xưởng giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, ngày 29/9/2022 UBND tỉnh đã có văn bản số 12002/UBND-VP giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp phối hợp với các Sở ban ngành nghiên cứu phương án thực hiện di dời cơ sở chế biến hải sản có loại hình sản xuất phù hợp vào Khu công nghiệp Đất Đỏ.

Nhằm thực hiện hiệu quả theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong thời gian tới, các Sở ban ngành cần đẩy nhanh tiến độ di dời để các cơ sở chế biến thủy sản tái ổn định hoạt động sản xuất. Hình thành, liên kết vùng nguyên liệu nuôi trồng và khai thác thủy sản ổn định phục vụ chế biến theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

                    Bảo An